Hiệu quả của vốn ưu đãi ở miền sơn cước Hữu Lũng

15/03/2017
(VBSP News) Ngay sau Tết nguyên đán, NHCSXH huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, trong đó tập trung cho vay gần 8 tỷ đồng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.
Cây na - cây thoát nghèo của đồng bào Hữu Lũng

Cây na - cây thoát nghèo của đồng bào Hữu Lũng

Giám đốc NHCSXH huyện Hữu Lũng, Triệu Hồng Hải cho biết: Là huyện miền núi tiếp giáp với ải Chi Lăng, cửa ngõ miền biên thùy xứ Lạng, địa hình phức tạp, lại thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai, đời sống đồng bào dân tộc còn nghèo khó, có tới 21/26 xã, thị trấn thuộc vùng 3 được ưu tiên thụ hưởng các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, trong đó có chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi.

Trong thời gian qua, NHCSXH huyện Hữu Lũng luôn chủ động phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể ở cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin tới từng làng bản, các hộ gia đình để hiểu rõ những quy định của Nhà nước, đồng thời thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi để giải ngân kịp thời đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng, nâng tổng dư nợ toàn huyện trên 292 tỷ đồng với 11 chương trình tín dụng.

Theo sự hướng dẫn trực tiếp của Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, Nông Việt Hiệp, chúng tôi đã đến thăm những hộ gia đình nhờ nguồn vốn ưu đãi chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống. Gia đình ông Vi Văn Nghị, người dân tộc Tày ở bản Long Trầm là điển hình về việc sử dụng 30 triệu đồng nuôi bò sinh sản và cải tạo khu đồi hoang trồng cây ăn quả như na dai - giống cây đặc sản tại miền sơn cước Hữu Lũng. Đến nay ông Nghị vừa hoàn trả hết nợ vay ngân hàng, lại còn sở hữu đàn bò 8 con, 1ha vườn đồi, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Cùng địa chỉ với nhà ông Hiệp, còn có chị Nông Thị Thuận cũng từ nguồn vốn vay của 2 chương trình hộ cận nghèo và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn mà gây dựng được cơ ngơi với 2 dãy chuồng lợn nái, lợn giống cùng 2 mẫu mía đồi, 8 sào cỏ voi, đạt mức thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. “Mất 3 mùa vụ liền, gia đình tôi phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Nhưng bây giờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện nên công việc đồng áng, chăn nuôi của gia đình rất thuận lợi, chủ động, nhất là khâu mua phân bón, giống cây con được kịp thời, đảm bảo chất lượng, góp phần làm cho SXKD đạt hiệu quả cao”, chị Thuận vui vẻ kể.

Cũng như ông Hiệp, chị Thuận ở xã Yên Sơn còn nhiều hộ đồng bào dân tộc khác, đó là chị Sự, ông Việt, anh Khượng, bà Thùy đã sử dụng đồng vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, thâm canh vườn đồi, vườn rừng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn, Vi Sĩ Hồng cho biết: Hầu hết các hộ gia đình nơi đây đã mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế, đồng thời thực hiện việc trả nợ, nộp lãi theo quy định, nên chính quyền, đoàn thể trong xã yên tâm xét duyệt, bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi để bà con vay được vốn, nhanh chóng, kịp thời vụ sản xuất. Cụ thể, đợt giải ngân của NHCSXH huyện Hữu Lũng vào đầu năm mới đã có 38 hội viên nông dân được tiếp cận mức vay mới của chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng là 50 triệu đồng/hộ. Đồng bào rất phấn khởi, tin tưởng vào chính sách này.

Để chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Hữu Lũng chú trọng các lĩnh vực bình xét cho vay hướng dẫn hộ vay SXKD, bồi dưỡng đào tạo nghề, chuyển giao KHKT gắn với việc vay vốn ưu đãi nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất, đầu tư cho SXKD, góp phần thiết thực hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Việt Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác