Hải Hậu phát triển “nền kinh tế xanh”

24/01/2017
(VBSP News) Trong thời gian qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua NHCSXH mà nhiều hộ gia đình ở huyện Hải Hậu (Nam Định) đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây nông nghiệp, cây cảnh sang cây trồng dược liệu đinh lăng mang lại thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần phát triển “nền kinh tế xanh”, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nông dân Hải Hậu sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển trồng cây dược liệu đinh lăng

Nông dân Hải Hậu sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển trồng cây dược liệu đinh lăng

Có dịp về Hải Hậu thời gian này, đâu đâu cũng thấy cây đinh lăng - loại cây dược liệu được dân gian ví như “nhân sâm của người nghèo”. Ông Đỗ Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, huyện Hải Hậu đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng để phát triển “nền kinh tế xanh”, nhiều hộ gia đình huyện Hải Hậu đã mạnh dạn chuyển 700ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu và nuôi trồng thủy sản. Để hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển sản xuất, hội đã phối hợp với NHCSXH, thông qua 258 Ttiết kiệm và vay vốn hoạt động nề nếp và hiệu quả, ủy thác trên 162  tỷ đồng cho 6.500 hộ gia đình vay vốn. Nguồn vốn ưu đãi được các hộ gia đình đầu tư vào nhiều chương trình, trong đó cây dược liệu đinh lăng đã và đang trở thành cây xóa nghèo và làm giàu của người nông dân nơi đây.

Gia đình ông Lâm Văn Tình ở xóm 10, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu đã mạnh dạn chặt bỏ cây cảnh để trồng đinh lăng.“Cây đinh lăng rất dễ trồng, dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít, hiệu quả kinh tế cao. Với giá mua hiện tại, toàn bộ rễ, gốc và thân lá 27.000 đồng/kg, nếu trồng 1 sào, sau 3 năm cho thu nhập 150 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, mỗi năm cho lãi khoảng 21 triệu đồng/sào (tương đương 580 triệu đồng/ha), gấp nhiều lần trồng lúa. Vì vậy, trồng và chế biến đinh lăng đang được xem là “nền kinh tế xanh” của nông dân”, ông Tình chia sẻ.

Trước đây, xóm 12 là xóm nghèo nhất xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, mọi thu nhập của người dân chỉ trong chờ vào cây lúa, nên đời sống của trên 120 hộ gia đình rất khó khăn. Thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã xác định tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp quan trọng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân ở các xóm. Được NHCSXH huyện Hải Hậu ủy thác, Hội Nông dân xã quản lý 8,4 tỷ đồng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, các hộ gia đình nông dân trong xã đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, cải tạo vườn tạp và những thửa ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng, làm nguyên liệu cung cấp cho công ty dược phẩm”, ông Đỗ Văn Mạnh chia sẻ thêm.

Theo số liệu của chi cục thống kê huyện, hiện nay trên địa bàn Hải Hậu có 459ha trồng cây dược liệu, trong đó cây đinh lăng trên 200ha và đang có chiều hướng gia tăng. Hải Hậu có 32 xã, tất cả các xã trong huyện đều trồng cây đinh lăng, nhưng tập trung nhiều ở các xã Hải Ninh, Hải Quang, Hải Châu, Hải Giang, Hải Lộc, Hải Hà,

Là một trong những hộ gia đình được vay nguồn vốn chính sách, ông Trần Văn Tấn ở xóm 12 cho biết: “Gia đình có 3 sào vườn, nhận thấy cây đinh lăng lá nhỏ là giống cây dễ trồng, không phải mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ, hơn nữa sản phẩm đầu ra được công ty dược phẩm bao tiêu,thông qua Hội Nông dân tôi đã làm hồ sơ được NHCSXH huyện Hải Hậu duyệt cho vay 30 triệu đồng làm vốn mua giống, phân bón và đầu tư công sức cải tạo vườn để trồng cây đinh lăng. Hiện, tôi đã chuyển đổi được hơn 1,5 sào vườn sang trồng cây đinh lăng. Dự kiến, đầu năm 2017 sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên, với nguồn thu khoảng vài trăm triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Toàn, Nguyễn Cao Khải cho biết với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của NHCSXH, từ vài gia đình trồng ban đầu, đến nay cả xã đã có trên 150 hộ, trồng 20ha đinh lăng, sản lượng đạt trên 20 tấn đinh lăng khô/năm. Nhận thấy phong trào trồng cây đinh lăng phát triển khá mạnh, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay NHCSXH thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến dược liệu xã Hải Toàn, nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ thành phẩm. Đến nay, Tổ hợp tác đã thu hút được hơn 40 hộ gia đình, dự kiến đầu năm 2017, sẽ kết nạp thêm khoảng 15 thành viên nữa để đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của công ty dược phẩm.

Ông Vũ Văn Triển - Trưởng phòng NNo&PTNN huyện Hải Hậu cho biết, hiện nay Hải Hậu là một trong 2 huyện của tỉnh Nam Định được chọn làm nơi thực hiện dự án: “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” để phát triển dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới” (GACP - WHO)… Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã và thị trấn làm tốt công tác quy hoạch vùng phát triển dược liệu đinh lăng theo hướng bền vững, nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các công ty dược phẩm, góp phần thiết thực vào việc nâng cao thu nhập cho người dân. Hy vọng trong thời gian tới cây đinh lăng sẽ là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình tại địa phương.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác