“Đòn bẩy” để người dân thoát nghèo

03/11/2014
(VBSP News) Từ lâu, vốn vay từ NHCSXH đã trở thành “đòn bẩy” vững chắc trong hành trình thoát nghèo của người dân ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang).
Ông Sáu đang chăm sóc đàn heo của gia đình

Ông Sáu đang chăm sóc đàn heo của gia đình

Xác định vốn là mấu chốt của bài toán thoát nghèo, lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH. Năm 2013, NHCSXH đã cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã vay hơn 920 triệu đồng. Và từ đầu năm đến nay, các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục được hỗ trợ nguồn vốn vay 1,7 tỷ đồng. Sau khi các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, cách thức tổ chức sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Thông qua các hoạt động hỗ trợ cụ thể, đa số hộ nghèo trên địa bàn xã được trang bị kiến thức cơ bản về xây dựng, phát triển và nhân rộng những mô hình kinh tế, sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương. Nhiều mô hình tiêu biểu, như: chăn nuôi heo, gà, nuôi lươn, trồng hoa màu, trồng cam sành… đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm qua từng năm, còn 12,31%, giảm 5,32% so với cuối năm 2013 và còn 299 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,42%.

Hộ ông Lê Văn Sáu ở ấp Phụng Sơn B, được đánh giá là một hộ nghèo có ý thức vươn lên tiêu biểu. Nhà ông có 5 sào đất, chủ yếu chỉ trồng lúa, gia đình lại đông người, nên cuộc sống nhiều khó khăn. Đầu năm 2011, được hỗ trợ vay 11 triệu đồng từ NHCSXH, ông Sáu xây dựng mô hình nuôi gà Lương Phượng. Năm đầu, ông mua 300 con gà con với giá 9.000 đồng/con để nuôi. Sau thời gian gần 3 tháng chăm sóc, mỗi con gà đạt trọng lượng 1,7 - 2kg. Bán lứa gà này, trừ chi phí, gia đình ông thu về lợi nhuận trên 18 triệu đồng. Từ nguồn lợi nhuận trên, ông tiếp tục mua 100 con gà Lương Phượng để nuôi. Ngoài ra, ông xây dựng thêm mô hình nuôi heo đẻ. Với 2 con heo mẹ, mỗi năm gia đình ông bán được vài lứa heo con. Từ nguồn lợi nhuận nuôi heo và gà, ông Sáu tiếp tục xây dựng mô hình nuôi vịt, nuôi lươn. Nhờ bỏ công chăm sóc, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu KHKT, các mô hình kinh tế của gia đình ông đều đem lại lợi nhuận đáng kể. Ông Sáu cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ban đầu mà gia đình tôi xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tương đối hiệu quả, nên cuộc sống khá hơn xưa rất nhiều”.

Gia đình ông Võ Mạnh Kỳ ở ấp Phụng Sơn B, cũng là một trong những hộ được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đạt được hiệu quả kinh tế. Với nguồn vốn vay 5 triệu đồng từ NHCSXH, ông Kỳ đầu tư mô hình nuôi heo. Hai năm đầu, giá heo tương đối ổn định nên gia đình ông có nguồn thu nhập cao. Từ nguồn thu nhập này, ông đã đầu tư trồng lúa trên 5 sào đất ruộng và hoa màu trên bờ ranh. Ông Kỳ chia sẻ: “Mỗi năm với 3 vụ lúa và 3 vụ hoa màu, gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Sau nhiều năm tích cóp, tôi quyết định đầu tư một sào đất vườn để trồng cam sành. Hiện nay, cam đã cho trái vụ đầu, gia đình chưa thu hoạch vì còn đợi giá cao”.

Từ nguồn vốn vay, không chỉ riêng gia đình ông Sáu, ông Kỳ mà đã có rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã đã có điều kiện vươn lên. Ông Lê Văn Hổ - Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Nguồn vốn vay từ NHCSXH thực sự là “chiếc phao cứu sinh” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp họ có vốn để xây dựng mô hình kinh tế, cải thiện cuộc sống. Con số hộ nghèo giảm hàng năm trên địa bàn xã có đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn vay ưu đãi này. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân sử dụng đúng mục đích để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH”.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác