Vốn vay tiêu dùng chính sách kịp thời đến đối tượng ở Kon Tum
Hộ khó khăn đột xuất được vay vốn chính sách
Tháng 10/2020, anh Nguyễn Ngọc Anh ở thôn Đắk Bình, xã Đắk Ngọk, huyện Đắk Hà thuộc diện hộ khó khăn đã được NHCSXH huyện tạo điều kiện vay vốn tiêu dùng 20 triệu đồng, để điều trị bệnh cho bố.
Theo tâm sự của Ngọc Anh, bố anh mắc bệnh hơn 10 năm qua. Lúc ông tỉnh táo thì vẫn ở nhà đỡ đần con trai nấu cơm, quét vườn, chăm sóc đàn gà, vịt. Đến giữa năm 2020, bệnh trở nặng, ông không còn nhận biết được người thân, thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà và bỏ nhà đi lang thang quậy phá khắp thôn, xóm. Thấy cha bệnh ngày một nặng, anh muốn đưa ông đi điều trị bệnh, nhưng gia đình thuộc diện khó khăn, thu nhập mỗi tháng chưa đến 3 triệu đồng.
Lúc túng quẫn khó khăn như thế, may mắn, anh được bà con lối xóm và Trưởng thôn Đắk Bình đến thăm, động viên và sau đó được đề xuất với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn giới thiệu lên NHCSXH huyện Đắk Hà để vay vốn. Được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng, anh Ngọc Anh đưa cha đi chữa bệnh và lấy thuốc điều trị lâu dài. Đến nay, cha anh nhờ uống thuốc đều đặn và được chăm sóc sức khỏe theo phác đồ điều trị của bác sĩ nên bệnh tình đã thuyên giảm 80% - 90%.
Anh Ngọc Anh chia sẻ: “Lúc bố đổ bệnh nặng, tôi đã tìm đến vài địa chỉ “tín dụng đen” tính vay tiền với lãi suất hàng tháng rất cao 25% - 30%/tháng/tổng số tiền được vay. Rất may, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, bà con trong thôn xóm và ngân hàng cho vay vốn, tôi đã vượt qua lúc khó khăn. Hiện tại, gia đình tôi có vườn 200 cây cà phê năm thứ 7, trồng thêm rau quả, hoa màu, nuôi thêm đàn heo 4 - 5 con, đàn gà hơn chục con… đủ đảm bảo cuộc sống của hai bố con. Mỗi năm, thu nhập từ 200 gốc cà phê cũng được 10 - 12 triệu đồng, đủ trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng”.
Trường hợp khác là vợ chồng A Phan ở Đắk Lung, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô được NHCSXH tạo điều kiện vay vốn sửa chữa nhà ở. Gia đình anh là hộ nghèo với 4 người con nhỏ đang ở tuổi đi học, kinh tế chủ yếu dựa vào gần 1 ha đất trồng cây mì. Lúc rảnh rỗi, anh chị đi làm thuê kiếm thêm tiền để nuôi sống cả gia đình 6 người. Không may tháng 10/2020, cơn bão số 8 bất ngờ ập đến, nước lũ kéo về nhanh và mạnh đã làm xói lở móng nền nhà, sụp bờ tường nhà và gió lốc làm hư hỏng toàn bộ mái tôn của căn nhà của anh Phan trong đêm.
Sau cơn bão số 8 năm 2020, gia đình A Phan đã được chính quyền xã xác nhận thiệt hại nhà cửa do thiên tai, có đề xuất với NHCSXH huyện Đắk Tô vay vốn để sửa chữa nhà ở ổn định. Nhờ đó, gia đình A Phan đã được vay 30 triệu đồng, cộng thêm công của gia đình nên đã hoàn thiện căn nhà mới như hiện nay.
Từ tháng 2/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có 108 hộ gặp khó khăn hoặc bị rơi vào những hoàn cảnh như trên đã được tạo điều kiện vay vốn tiêu dùng với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Vốn vay của các hộ dân chủ yếu để phục vụ sửa chữa nhà ở, ốm đau đột xuất, đầu tư sản xuất.
Chính sách vay tiêu dùng hiệu quả, góp phần giảm “tín dụng đen”
Theo Quyết định 05 của UBND tỉnh, cho vay vốn tiêu dùng chính sách là chương trình đặc thù, có ý nghĩa cả về kinh tế và nhân văn, kịp thời giúp đỡ những hộ khó khăn đột xuất trong cuộc sống (như bị ốm đau, bệnh đột xuất phải điều trị dài ngày, bị thiệt hại tài sản do thiên tai bão lũ đột xuất, thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất mới…) có một khoản vốn để mưu sinh, hoặc trang trải, khắc phục hoàn cảnh, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, việc triển khai cho vay nguồn vốn chính sách này còn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh và cả hệ thống chính trị phục vụ nhân dân có cuộc sống tốt hơn, hạn chế thấp nhất việc vay tín dụng đen và đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án cho vay tiêu dùng trên, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tích cực, hiệu quả công tác tuyên truyền, đưa chính sách mới kịp thời đến các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn. Nhờ vậy, khi các hộ dân không may gặp các biến cố trong cuộc sống đã tìm đến cán bộ thôn, hoặc các Tổ tiết kiệm và vay vốn để được tư vấn, hỗ trợ thủ tục vay vốn trong vòng 24 giờ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Nhân dân rất đồng tình ủng hộ chính sách này. Năm 2020, qua công tác kiểm tra của đơn vị cho thấy, 100% số hộ vay vốn đều thuộc đối tượng thụ hưởng theo đề án và sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay, đảm bảo các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường công tác đôn đốc, thu hồi nợ khi đến hạn, nắm bắt kịp thời, báo cáo tỉnh đối với các trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan không trả được nợ để có giải pháp xử lý nợ đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, đơn vị cũng chỉ đạo toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban MTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cơ quan truyền thông và cán bộ văn hóa thông tin cơ sở tuyên truyền, phát hành tờ rơi đến tận thôn làng, tổ dân phố để bà con có thông tin, nắm bắt đầy đủ ý nghĩa, mục đích đề án cho vay tiêu dùng chính sách trên và thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay.
Bài và ảnh Mai Trâm
Các tin bài khác
- » Cú hích cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
- » Khởi nghiệp thành công từ nguồn vốn ưu đãi
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Mai Sơn
- » Giải ngân vốn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19
- » Dư âm bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nhìn từ huyện đảo Phú Quý
- » Điểm tựa giúp hộ kinh doanh tự tin vượt qua đại dịch
- » Dốc toàn lực giúp người dân thoát nghèo
- » Mường Chà tiếp sức thanh niên phát triển kinh tế
- » Nguồn vốn chính sách giúp cựu chiến binh làm giàu
- » Nâng cao thu nhập từ nguồn vốn chính sách