Hiệu ứng tín dụng chính sách trên miền đất võ
Nguồn vốn thay đổi cuộc sống
Gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay từ NHCSXH. Gia đình có 4 người con, chồng làm thợ hồ, công việc của chị Tình cũng không ổn định, bấp bênh nên đời sống khó khăn vất vả… Năm 2015, vợ chồng chị quyết định mở trang trại trên diện tích 5.000m² đất gò do ông bà để lại.
Đến năm 2016, được sự tư vấn của Hội Phụ nữ, chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua heo giống. Công việc đang thuận lợi thì do biến động của thị trường, giá heo giảm mạnh dẫn đến thua lỗ gần như mất vốn. Cả gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng như không vượt qua khỏi. Lại một lần nữa, Chi hội Phụ nữ đã động viên gia đình vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH để mua 2 con bò giống lai sinh sản, kết hợp với mô hình nuôi heo và nuôi gà.
Đến nay, gia đình đã từng bước ổn định và có thu nhập khá tốt. Cuối năm 2018, gia đình chị Tình đã thu được hơn 100 triệu đồng từ trang trại. Mới đây, chị còn mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để tiếp tục mua 2 con bò lai. Hiện, trang trại của gia đình 8 con bò lai; 120 con heo thịt; 4 con heo nái sinh sản, 40 con gà thịt, mang lại thu nhập ổn định.
Chị Tình tâm sự, có được thành quả như ngày hôm nay thì ngoài sự nỗ lực phấn đấu của gia đình, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ NHCSXH; tạo điều kiện cho gia đình có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tình chỉ là một trong hàng nghìn hộ ở Bình Định thoát nghèo từ những đồng vốn của NHCSXH. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã lan tỏa đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các xã vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. 90% dư nợ tín dụng chính sách là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo… Giai đoạn 2014 - 2019, cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ủy thác, NHCSXH đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 190 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua đó, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần giúp trên 38 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 19 nghìn lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn vay vốn mua sắm máy móc, công cụ phục vụ SXKD, đánh bắt, chế biến hải sản và mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; thu hút, tạo việc làm cho hơn 12 nghìn lao động; giúp hơn 1 nghìn lao động được làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 17 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tấn Thanh đánh giá, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, những nỗ lực đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều đầu giai đoạn 2016 - 2020 từ 13,35% xuống còn 7,01% (cuối năm 2018). Riêng 3 huyện nghèo giảm từ 62,54% xuống còn 43,14%, hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra.
Tập trung vốn về một đầu mối
Tại Bình Định, sau khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40. Đồng thời, phân công cụ thể trách nhiệm và chỉ đạo của thủ trưởng các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, thống nhất nhận thức, cách làm và triển khai đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị số 40.
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với tín dụng chính sách xã hội…
Đặc biệt, Bình Định đã tổ chức thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tỉnh đã tập trung các nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH, ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội; HĐND, UBND các cấp đưa vào khoản mục chi dự toán ngân sách hàng năm, tiếp tục bố trí một phần nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn…
Đến hết ngày 30/6/2019 tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Bình Định đạt 3.667 tỷ đồng, tăng 1.395,5 tỷ đồng so với năm 2014; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 115,5 tỷ đồng, tăng 92 tỷ đồng….
NHCSXH tỉnh Bình Định cũng đã đẩy mạnh việc ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay. Cán bộ ở tất cả các xã cùng tham gia góp sức trong việc tuyên truyền, bình xét cho vay; giám sát sử dụng vốn vay; đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đúng hạn…
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định Đỗ Thiện Chế cho biết, công tác tư vấn, hướng dẫn được thông qua nhiều kênh, nhiều hoạt động, đảm bảo tác động từ nhiều phía, mọi lúc mọi nơi; qua các lớp tập huấn, các mô hình trình diễn, câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… Đặc biệt là phong trào nông dân SXKD giỏi đoàn kết giúp làm giàu chính đáng, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây được xem là kênh hiệu quả nhất trong công tác tư vấn hướng dẫn cho hội viên vay vốn.
Có thể khẳng định, sau 05 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40 đã đi vào cuộc sống người dân ở Bình Định; phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, khó khăn, sâu sát trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng… góp phần xây dựng quê hương “đất võ, trời văn” Bình Định ngày càng giàu đẹp.
Hiện, NHCSXH Bình Định đang quản lý và triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Đến hết ngày 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 1.390 tỷ đồng so với cuối năm 2014 với trên 91 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ bình quân đạt 40 triệu đồng/hộ, tăng 16 triệu đồng. Từ đầu năm 2014 đến nay, tổng doanh số cho vay đạt 5.999 tỷ đồng, với hơn 190 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn… |
Bài và ảnh Nghi Lộc
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Tiến tới dịch vụ ngân hàng số cho người nghèo
- » Tín dụng chính sách xã hội giúp 35.800 hộ nghèo ở Cần Thơ thoát nghèo bền vững
- » Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm và làm việc tại Yên Bái
- » Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột tích cực trong công tác giảm nghèo tại Thanh Hóa
- » Mang niềm vui cho các em nhỏ tại tỉnh Tuyên Quang
- » 05 năm qua ở Long An có trên 221 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn
- » Gần 150 ngàn lượt hộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu được vay vốn tín dụng chính sách