Sức lan tỏa của Chỉ thị “bốn mươi” trên vùng đất võ Bình Định
Lan tỏa tín dụng nhân văn
Vĩnh Thạnh là một trong 03 huyện miền núi của tỉnh Bình Định. Sau 05 năm triển khai Chỉ thị số 40, hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa trong huyện được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi. Ông Đinh Đrin - Phó bí thư thường trực huyện ủy Vĩnh Thạnh khẳng định: “Quán triệt Chỉ thị số 40, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả để vươn lên trong cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững”.
Doanh số cho vay sau 05 năm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh là 481,6 tỷ đồng, với 15.716 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đạt 257 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 255 tỷ đồng, chiếm 99,23%, không có nợ quá hạn phát sinh. Nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 5%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Cũng chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Võ Đình Tuấn cho biết: “Địa phương đã bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện và quan tâm bố trí địa điểm, thời gian, đảm bảo an toàn cho các Điểm giao dịch trên địa bàn 19 xã, thị trấn. 05 năm qua, Phù Mỹ có trên 6.104 hộ thoát nghèo; toàn huyện còn khoảng 2.800 hộ nghèo, tỷ lệ 5,99%”.
“Phải khẳng định rằng, Chỉ thị số 40 đã đưa chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các NHTM. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, ngăn nạn tín dụng phi chính thức, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác có giá trị thực tiễn cao hợp ý Đảng, lòng dân; phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị chăm lo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội”, ông Tuấn nói thêm.
Các hội, đoàn thể tích cực phối hợp với NHCSXH triển khai thực hiện cho vay ủy thác hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đơn cử như Hội ND tỉnh, dư nợ đến hết tháng 6/2019 đạt hơn 1.098 tỷ đồng với trên 27.000 khách hàng đang vay vốn, chiếm 31% trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể của tỉnh; tăng hơn 395.833 triệu đồng (tương đương 56,3%) so với 31/12/2014, dư nợ bình quân 40 triệu đồng/hộ. Cùng với đó, Hội ND tỉnh tập trung chuyển giao tiến bộ KHKT; tập huấn xây dựng các mô hình, thành lập các Câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đưa nội dung khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công vào hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở, trao đổi học tập lẫn nhau. Hàng năm đã tổ chức bình quân 60 lớp cho trên 2.000 lượt hộ vay vốn qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND quản lý tham gia về các nội dung như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản chế biến nông sản, bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu, triển khai nhân rộng được 269 mô hình kinh tế có hiệu quả cho người dân.
Nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH; lãnh đạo UBND tỉnh đưa vào khoản mục chi tiêu dự toán ngân sách hàng năm để dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận tín dụng chính sách xã hội. Kết quả huy động các nguồn vốn từ khi Chỉ thị ra đời đến nay đạt 3.667 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 115,5 tỷ đồng, tăng thêm 91 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị.
NHCSXH tỉnh Bình Định đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác. Doanh số cho vay kể từ khi có Chỉ thị số 40 đến hết tháng 6/2019 đạt 5.999 tỷ đồng với hơn 19.000 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đạt 3.660 tỷ đồng/91.890 khách hàng, tăng 1.389 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Kết quả của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh được phản ánh qua những con số ấn tượng. Hơn 38.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 19.000 hộ được vay vốn mở rộng SXKD, thu hút, tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; giúp gần 1.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 17.000 HSSV được vay vốn học tập; xây dựng trên 79.000 công trình NS&VSMTNT; hơn 2.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách”.
Ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân trong thực hiện Chỉ thị số 40, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tập trung tuyên truyền về Chỉ thị số 40 một cách sâu rộng, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Triển khai có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, tạo việc làm, bảo đảm an sinh, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. HĐND, UBND các cấp ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng ưu đãi, đảm bảo ổn định, bền vững. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong tín dụng chính sách.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Lê Thị Đức Hạnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động, kịp thời kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH. Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng NHCSXH rà soát đối tượng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn, tạo cơ hội để tiếp cận vốn, góp phần giảm tín dụng phi chính thức tại cơ sở. NHCSXH cam kết phân bổ nguồn lực đều cho các địa phương. Trong điều kiện nguồn vốn giải quyết việc làm còn hạn chế, đề nghị địa phương cùng chia sẻ với NHCSXH bổ sung nguồn lực để cho vay các đối tượng trên địa bàn.
Bình An
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Tín dụng chính sách trở thành một động lực phát triển kinh tế tại Hải Dương
- » Bình Định: Cộng hưởng từ một chính sách nhân văn
- » Chuyển biến trong nhận thức về tín dụng chính sách xã hội ở Đắk Nông
- » Chỉ thị số 40 tạo bước chuyển quan trọng về tín dụng chính sách ở Đắk Nông
- » Tỉnh Ninh Bình sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » “Cú hích” trong công tác giảm nghèo ở Ninh Bình
- » Lạng Sơn tăng cường nguồn vốn ưu đãi cho giảm nghèo