“Điểm sáng” thực hiện tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã giúp cho hàng nghìn người dân tại tỉnh Long An có thêm vốn để phát triển SXKD, phục vụ đời sống và thực sự trở thành nguồn vốn quan trọng, không thể thiếu đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Chúng tôi đến xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ (Long An), cũng là lúc NHCSXH huyện giải ngân cho hộ cận nghèo và HSSV. Trên khuôn mặt của mỗi người dân đến nhận tiền, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng, phấn khởi khi họ đón nhận đồng vốn nghĩa tình này. Đây là đồng vốn mà họ dùng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, trang trải chi phí cho con học tập.
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Kết, một nông dân nghèo ở ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc - người vừa nhận được vốn vay, chúng tôi được biết gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. 4 năm nay, nhờ có sự hỗ trợ của NHCSXH nên gia đình chị Kết có vốn đầu tư phát triển SXKD; đồng thời, việc học của 2 người con đều được học đại học, không bị gián đoạn. “Là người nông dân, tôi biết rõ sự khổ nhọc, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để có cái ăn. Vì vậy, không muốn cho con nối nghiệp nhà nông, tôi đã cố gắng cho con đi học để sau này có việc làm, thoát khỏi cảnh làm nông như bố mẹ. Tôi thật sự không biết xoay xở thế nào, nếu không có sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH”, chị Kết vui mừng chia sẻ.
Chị Lê Thị Nhẹ ở ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ vừa mới thoát nghèo thì lại gặp khó khăn về vốn phát triển kinh doanh. Từ số tiền 50 triệu đồng vay chương trình hộ mới thoát nghèo, chị đầu tư nuôi bò sinh sản và tu bổ lại vườn mãng cầu. Hiện nay, mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng, không những thoát nghèo mà còn mua các phương tiện sinh hoạt trong gia đình.
Còn em Huỳnh Thanh Trà trước đây là sinh viên trường Đại học Long An được vay hơn 40 triệu chương trình tín dụng HSSV, hiện nay, Trà là cán bộ UBND xã Bình Hòa Bắc: “Nhà chỉ có 2 chị em, nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có ruộng đất sản xuất cộng với cha mẹ già nên việc học hành khá vất vả. Khi được NHCSXH cho vay vốn chương trình tín dụng HSSV, em vừa mừng vừa lo. Mừng vì có tiền lo chi phí đi học, lo vì khi ra trường không biết có việc làm để trả hay không? Hiện với thu nhập hàng tháng của em, theo quy định trả theo kỳ thì em có đủ để trả nợ được”, Trà chia sẻ trong niềm vui của mình.
Duy trì chất lượng tín dụng
Giám đốc NHCSXH tỉnh Long An Nguyễn Trọng Điệp cho biết: “Hiện nay, NHCSXH tỉnh Long An đang thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 2.669 tỷ đồng, cho trên 130.506 khách hàng vay vốn.
Không chỉ tập trung chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Long An còn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng toàn diện trong toàn đơn vị.
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Long An Đỗ Thị Kim Thắm thông tin, bám sát chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm cao trong việc thực hiện vai trò ủy thác cho vay tín dụng chính sách, bảo đảm quy trình chặt chẽ và dân chủ, đồng thời coi công tác kiểm tra, giám sát là tiêu chí cứng trong công tác thi đua, khen thưởng. Đến nay, hơn 56.292 hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh được vay vốn với tổng dư nợ 1.132 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2017 đến nay, NHCSXH tỉnh Long An đã chủ động phân bổ nguồn vốn các chương trình theo đúng quy định, kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn hộ vay hoàn thiện hồ sơ vay vốn mới… Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Long An còn tổ chức kiểm tra, phân tích, đánh giá thực trạng nợ quá hạn, đôn đốc thu hồi nợ của những hộ chây ỳ đồng thời hoàn tất hồ sơ xử lý nợ theo đúng pháp luật; Triển khai hoàn thành công tác đối chiếu và phân tích nợ theo chủ trương của Tổng Giám đốc về việc đối chiếu nợ, phân tích nợ vay của 133.298 hộ, đạt 100% tổng số hộ phải thực hiện đối chiếu và phân tích nợ.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Long An đang tiếp tục thực hiện đối chiếu nợ với khách hàng theo đúng quy định, qua đó đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng vốn chưa đúng mục đích. Ngoài ra, đơn vị còn chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện duy trì đều đặn 192 phiên trực giao dịch cố định hằng tháng tại các xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban tại xã nhằm phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống, chất lượng tín dụng cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,29% tổng dư nợ.
“Có được kết quả như vậy là do NHCSXH tỉnh Long An thường xuyên đề ra mục tiêu hoạt động theo hướng ổn định, bền vững về chất lượng, phấn đấu tăng cường nguồn lực để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước gắn với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách”, Giám đốc Nguyễn Trọng Điệp cho biết.
Bài và ảnh Nguyễn Thị Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Dòng vốn chính sách nở hoa phượng đỏ
- » Vốn chính sách trên vùng miền núi dân tộc Yên Lập
- » Vĩnh Linh giảm nghèo nhanh, bền vững
- » Đồng hành với người hoàn lương
- » Tiền Giang nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Người trẻ về quê làm giàu sau sự cố môi trường
- » Tín dụng chính sách ở Điện Biên cần nâng cao hơn nữa
- » Huy động tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã
- » Góp phần bảo đảm an sinh xã hội