Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

09/12/2014
(VBSP News) Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Kon Tum, các giải pháp được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức về quản lý hoạt động tín dụng chính sách đến cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và ý thức “có vay có trả” của người dân, dẫn đến chất lượng tín dụng được nâng cao rõ rệt.
Sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số ở Kon Tum đã “đổi đời”

Sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số ở Kon Tum đã “đổi đời”

Chuyển biến ở Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Kleng

Năm 2012, ở làng Kleng thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy (Kon Tum) có gần 50 hội viên phụ nữ là chủ lực kinh tế của gia đình thuộc diện nghèo vùng dân tộc thiểu số địa phương. Chị Y Mơ - Chi hội trưởng phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã cùng với các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, các phòng, ban về cơ sở tuyên truyền cho chị em phụ nữ về vay vốn chính sách giảm nghèo nên một số chị đã mạnh dạn vay vốn hộ nghèo để chăn nuôi bò. Năm 2012 - 2013, Y Mơ và gần 50 chị em là hộ nghèo, mỗi người được vay 10 - 15 triệu đồng mua cặp bò lai mẹ con. Sau đó, các chị tự sắp xếp thời gian hợp lý cho các thành viên phụ nữ ở làng Kleng chăn thả, chăm sóc hàng ngày theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương. Dần dà qua 2 năm, tổng đàn bò khoảng 100 con nay đã phát triển gần 320 con bò. Đây là nguồn thu “để dành” cho việc trọng đại gia đình như mua sắm xe công nông và đầu máy cày chuyên chở, cày đất thuê cho bà con nhằm tăng thêm thu nhập, tích lũy vốn làm ăn lâu dài.

Chị Đinh Thị Khánh - Tổ trưởng Tổ Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng thuộc NHCSXH huyện Sa Thầy, cho biết, tại thời điểm xây dựng Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại làng Kleng có 50 hộ vay, dư nợ 856 triệu đồng, nhiều hộ chưa thực hiện tốt việc trả nợ, trả lãi và số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ chỉ được trên 1 triệu đồng, thì hiện nay tổ đã có 52 hộ vay vốn với tổng dư nợ 1,86 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ đạt trên 14 triệu đồng. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, chưa có hộ nào chây ỳ không trả nợ, hoặc để phần nợ vốn vay quá hạn, làm ảnh hưởng chung đến các thành viên vay vốn khác và hầu hết các hộ vay đều tham gia gửi tiền tiết kiệm.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, chất lượng tín dụng được nâng cao

Còn nhớ, tháng 3/2012, NHCSXH tỉnh Kon Tum là một trong những chi nhánh có dư nợ thấp nhất toàn hệ thống; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 3,1%/tổng dư nợ; nợ bị chiếm dụng, vay ké chiếm 0,3%/tổng dư nợ; công tác đổi Sổ vay vốn vẫn chưa đảm bảo chất lượng; lãi tồn đọng lớn, có trên 40% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng hoạt động trung bình và chỉ có 508/1.648 Tổ tiết kiệm và vay vốn có huy động tiền gửi tiết kiệm với số dư tiền gửi tiết kiệm bình quân 4 triệu đồng/tổ.

Thế nhưng đến tháng 9/2014, chi nhánh đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng theo lộ trình của Đề án phải thực hiện đến cuối năm 2014 như: tổng dư nợ đạt trên 1.400 tỷ đồng, tăng 57% so với thời điểm xây dựng Đề án (31/3/2012); tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,77%/tổng dư nợ; Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt chiếm 42,6%, loại khá chiếm 42,8%, 14,6% tổ trung bình và không còn tổ yếu, kém; nâng số Tổ tiết kiệm và vay vốn có huy động tiền gửi tiết kiệm lên 1.092 tỷ đồng, với số dư tiền gửi tiết kiệm bình quân 10,7 triệu đồng/tổ và nâng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương lên 8,4 tỷ đồng. Những kết quả này đang là nguồn động viên, khích lệ tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động NHCSXH tỉnh Kon Tum vững tin, tự hào cống hiến tiếp tục cho công tác vay vốn đối tượng chính sách theo ý Đảng, lòng dân.

Để có được những kết quả như trên, Kon Tum đã triển khai thực hiện quyết liệt hàng loạt giải pháp, trong đó đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn từ cấp huyện tới cấp xã, chỉ đạo thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, giao nhiệm vụ cho Thôn trưởng trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách từ khâu nhận chi tiêu phân vốn đến tổ chức giám sát, bình xét cho vay, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của hộ vay, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát việc thực hiện ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn và tham gia đôn đốc, xử lý thu hồi nợ của hộ vay. Sự sát sao của Ban Giám đốc, các Phòng chuyên môn nghiệp vụ và sự nhiệt tình của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể các cấp đã làm thay đối phần lớn nhận thức người dân hưởng chính sách ưu tiên vay vốn NHCSXH, giúp nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, giúp nhiều hộ vay vốn đã “đổi đời” thành hộ khá, giàu tại địa phương.

Bài và ảnh Ngọc Tuấn - Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác