Phụ nữ Thới Bình làm tốt công tác ủy thác
Theo Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Cà Mau: Để có những kết quả đó, ngân hàng đã tổ chức được 100 Điểm giao dịch/101 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Các chính sách tín dụng của Nhà nước và hoạt động của NHCSXH đều được triển khai thực hiện công khai dân chủ tại cơ sở. Cùng với đó, công tác uỷ thác thông qua các hội, đoàn thể đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn chính sách cũng như hướng dẫn người vay vốn sử dụng vốn hợp lý, đạt kết quả trong sản xuất, kinh doanh, nêu cao ý thức trả nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn, đầy đủ.
Điển hình trong công tác phối hợp, uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tỉnh Cà Mau là Hội Phụ nữ huyện Thới Bình thời gian qua đã xây dựng củng cố hoạt động 146 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 2.000 thành viên, với dư nợ tại NHCSXH huyện là trên 61 tỷ đồng.
Chị Phan Anh Tài, hội viên phụ nữ ấp 1, xã Thới Bình, nhờ nguồn vốn ưu đãi tiếp sức, nên có điều kiện phát triển sản xuất, thoát dần cảnh nghèo khó. Cách đây 3 năm, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị Tài đã sử dụng 8 triệu đồng vay của NHCSXH huyện đầu tư chăn nuôi heo nái, vịt chạy đồng. Đàn heo, đàn vịt ban đầu ấy đã làm điểm tựa cho gia đình chị mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Cụ thể, đầu năm 2013 đã xây chuồng, cải tạo ao đầm nuôi 100 con cá sấu, trồng rau sạch. Chị Tài tâm sự: “Chủ yếu nhờ có nguồn vốn uỷ thác của ngân hàng, gia đình mới có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, nếu được vay thêm vốn chính sách, bà con nông dân vùng đất mũi chắc chắn sẽ làm ăn mạnh mẽ hơn nhiều”.
Cũng như chị Tài, chị Nguyễn Thị Nhung ở ấp 1, xã Tấn Lợi Bắc, phấn khởi cho biết, nhờ nguồn vốn mà Hội Phụ nữ nhận uỷ thác từ NHCSXH, gia đình chị đã có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Năm 2008, cả nhà chị 4 người ăn còn phụ thuộc vào 5 công đất ruộng. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Chi hội Phụ nữ đã cho chị Nhung vay 3 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm Hội Phụ nữ và tín chấp cho chị vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Nhận 2 khoản tiền này, vợ chồng chị đã mua con giống, đào ao, đắp bờ bao nuôi cá chình, cá bống tượng, tôm chân trắng. Sau 2 vụ bội thu về cá, tôm có đồng ra đồng vào, chị mở cửa hàng bán vật tư phân bón, lúa giống. Hiện tại, với mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp, gia đình chị Nhung đã trả hết nợ vay cho ngân hàng và thu lời từ 60 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí; Ngoài ra, chị còn bán chịu không tính lãi, nhiều cá giống, lúa giống, phân bón cho bà con trong xóm, ấp đến mùa thu hoạch mới phải hoàn trả.
Chị Lê Kim Chung - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thới Bình cho biết, nguồn vốn vay uỷ thác từ NHCSXH đã mang lại cơ hội rất lớn cho nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo. Riêng xã Thới Bình, năm 2013 đã giảm được 11 hộ hội viên phụ nữ nghèo. Để việc thoát nghèo được bền vững, theo chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau là cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, NHCSXH tỉnh là đầu mối, tham mưu tích cực cho Ban đại diện HĐQT tỉnh về hoạt động của NHCSXH tại địa phương với mục tiêu để chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực, quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các hội, đoàn thể có trách nhiệm, phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ uỷ thác, làm cầu nối để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Bài và ảnh Hồ Minh Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Đoàn công tác Trung ương làm việc tại Lâm Đồng về xây dựng Nông thôn mới
- » Thêm nguồn lực cho hộ nghèo và cận nghèo
- » Đòn bẩy để hộ nghèo tại các huyện nghèo vươn lên
- » Kết quả giảm nghèo ở miền quê Đồng Tháp Mười
- » Làng quê Phúc Thọ đổi mới
- » Nét mới về Tổ tiết kiệm và vay vốn trên vùng đất chè
- » Đồng vốn chính sách giúp CCB làm giàu
- » Để người dân thoát nghèo bền vững
- » Nam Định sau 1 năm cho vay hộ cận nghèo