Quảng Nam, Bình Định triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động (Bài 1: Người dân - doanh nghiệp vững vàng vượt qua đại dịch)

07/09/2022
(VBSP News) Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và các trận thiên tai, lũ lụt liên tiếp, song tỉnh Quảng Nam và Bình Định vẫn có mức tăng trưởng kinh tế bình quân khá ấn tượng. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp; trong đó có sự đóng góp tích cực của những cán bộ NHCSXH - “cầu nối” đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vào cuộc sống.
IMG_1661734454410_1661739567691

Cán bộ NHCSXH TX Hoài Nhơn thăm hỏi tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty CP Đầu tư An Phát

Chính sách kịp thời bắt nhịp cuộc sống
Cơ sở Giáo dục mầm non Montier Preschool của chị Đinh Thị Đoan Hương ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã lấp gần đầy sĩ số các phòng học ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Nhìn 70 bé từ 2 - 5 tuổi ríu rít trong từng lớp học, ít ai biết được cơ sở giáo dục ấy tưởng chừng phải đóng cửa bởi đại dịch.
Thạc sỹ chuyên ngành giáo dục mầm non Đinh Thị Đoan Hương - Chủ cơ sở Giáo dục mầm non Montier Preschool chia sẻ, không dưới hai lần chị đã từ bỏ cơ hội quản lý ở các trường đại học để được gần gũi, chăm sóc, và trực tiếp đưa giáo dục hiện đại vào các lớp học mầm non. Tuy nhiên, cơ sở vừa đi vào hoạt động ổn định thì dịch COVID-19 ập đến. Mọi thứ xảy ra quá nhanh và nếu NHCSXH TP Tam Kỳ không kịp thời giải ngân khoản vay 80 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ thì không biết cơ sở của chị sẽ đi về đâu.
Mặc dù đã ổn định sản xuất nhưng ông Đào Duy Lẹ - Tổng Giám đốc Công ty CP May Tam Quang ở TX Hoài Nhơn (Bình Định) vẫn không khỏi bàng hoàng nhớ lại thời điểm phải ngừng sản xuất khi dịch COVID-19 bùng phát. Dòng hàng, dòng tiền và mọi thứ đều sụt giảm khiến doanh nghiệp và người lao động lao đao. Tuy nhiên, Công ty CP May Tam Quang đã kịp thời được NHCSXH TX Hoài Nhơn giải ngân cho vay 8,5 tỷ đồng để trả lương cho hơn 1 nghìn lao động. Điều này đã giúp cho công ty của ông Lẹ vượt qua thời điểm khó khăn nhất; giữ được chân công nhân và phục hồi sản xuất ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Đáng mừng là thiệt hại về kinh tế của công ty đến thời điểm này là rất thấp.
Cũng may mắn kịp thời thụ hưởng 13,7 tỷ đồng từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Công ty CP đầu tư An Phát đã mau chóng ổn định sản xuất và giữ chân hơn 1.600 lao động. “Mặc dù phải 2 lần ngừng việc do dịch COVID-19 nhưng chúng tôi vẫn được công ty trả đủ lương nên cuộc sống không bị xáo trộn nhiều”, chị Nguyễn Thị Thảo - công nhân Công ty CP đầu tư An Phát chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn Nguyễn Thanh Hải, Tam Quan Nam là vùng bãi ngang, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Khi dịch COVID-19 xảy ra, mọi hoạt động SXKD gần như ngừng trệ. Rất may, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ phần nào những vất vả cho nhân dân. Đến thời điểm này, trên địa bàn phường đã có trên 70 hộ SXKD, 30 hộ có con em là HSSV được vay vốn NHCSXH để sắm sửa các dụng cụ học tập cần thiết trong mùa dịch. Đến thời điểm này, kinh tế - xã hội trên địa bàn đã ổn định trở lại. UBND phường cũng đang nghiên cứu, vận dụng và tìm ra cách thức duy trì sự hỗ trợ cho bà con, nhằm phục hồi hoàn toàn sức khỏe nền kinh tế địa phương.
Góp phần phục hồi “sức khỏe” nền kinh tế
Sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, đã giúp tỉnh Quảng Nam và Bình Định phục hồi kinh tế với mức tăng trưởng ấn tượng. Tại tỉnh Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khả quan; chỉ số sản xuất trên các lĩnh vực tăng mạnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (sau tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An). Tốc độ tăng trưởng đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương có quy mô và mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện là hơn 18,6 nghìn tỷ đồng (đạt 78,8% dự toán năm) trong đó, thu nội địa đạt hơn 13,6 nghìn tỷ đồng (đạt 71,6% dự toán năm).
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ. Các chương trình, dự án đầu tư có trọng điểm, đạt nhiều kết quả trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển; rõ nét nhất là hạ tầng giao thông, với nhiều công trình quan trọng, có tính chất liên vùng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, thúc đẩy lan tỏa phát triển từ đô thị đến nông thôn, kết nối giữa đồng bằng ven biển và miền núi, giữa các tỉnh,thành phố trong khu vực miền Trung.
Tại tỉnh Bình Định, các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,01% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước và đứng thứ 3 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế đúng hướng đã tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, có 711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 23,2%; tổng vốn đầu tư là hơn 6,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh đã thu hút được 38 dự án từ các doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư trên 8 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có 8 dự án của các doanh nghiệp trong nước tăng vốn đầu hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; 2 dự án FDI tăng thêm 6,98 triệu USD vốn đầu tư.
Ngành du lịch, dịch vụ được ghi nhận có sự bứt phá mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bình Định đã đón gần 2,27 triệu lượt khách du lịch, tăng 92,5%, tổng doanh thu du lịch đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng trên 161% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5%. Hoạt động SXKD thuận lợi đã góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu 2022 tăng 7,17% so cùng kỳ năm trước. “Sức khỏe” của nền kinh tế tốt lên, việc thu nộp ngân sách cũng thuận lợi hơn. Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 7,5 nghìn tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán năm và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác