Vốn vay ưu đãi - động lực lớn cho hộ nghèo vươn lên

17/08/2022
(VBSP News) Trong 20 năm qua, được sự tiếp sức, đồng hành từ nguồn vốn vay ưu đãi cùng sự thay đổi tư duy sản xuất, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
177d1201708t36651l0

Gia đình bà Nguyễn Thị Vòng ở thôn 4, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống là một trong những tấm gương “vượt khó” vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Gia đình bà Lê Thị Lan ở thôn 14, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn là một trong những tấm gương tiêu biểu trong việc thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện. Chia sẻ về quá trình thoát nghèo của gia đình, bà Lan bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Quanh năm chỉ làm mấy sào ruộng nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp khá nhiều khó khăn. Sau khi được chính quyền tạo điều kiện, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện với số tiền 40 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Ban đầu, tôi rất băn khoăn không biết nên đầu tư vào trồng cây gì, nuôi con gì. Tuy nhiên, sau khi tìm tòi, học hỏi, được tham gia các lớp tập huấn về phát triển kinh tế nông nghiệp do xã, huyện tổ chức, gia đình tôi quyết định đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản và bước đầu đã thành công với mô hình này. Dần dà bò nuôi sinh sản tốt, nguồn vốn cũng được quay vòng mang lại thu nhập khá cho gia đình. Đến năm 2021, cuộc sống được cải thiện, gia đình tôi đã thoát nghèo, mua sắm thêm được ti vi, tủ lạnh và một số vật dụng khác phục vụ cho sinh hoạt”.
Xác định việc vay vốn có vai trò quan trọng trong triển khai chính sách giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn đã nỗ lực trong việc triển khai tín dụng chính sách thông qua nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt như: chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, phối hợp với Trưởng thôn để kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn từ khâu chứng kiến việc bình xét cho vay, đảm bảo hộ vay đúng đối tượng thụ hưởng, số tiền vay phù hợp với khả năng sản xuất của từng hộ gia đình; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra sau cho vay tại hộ để đôn đốc, hướng dẫn hộ sử dụng đúng mục đích, cương quyết thu hồi nợ trước hạn đối với hộ vay sử dụng sai mục đích, xem đây là mấu chốt của việc nâng cao chất lượng tín dụng và phát huy hiệu quả chương trình tín dụng chính sách ưu đãi.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã thường xuyên phối hợp với các Trưởng thôn và các ban, ngành, đoàn thể của xã tiến hành rà soát đối tượng để lập danh sách hộ nghèo, mới thoát nghèo để NHCSXH làm cơ sở cho vay và chủ động trong việc phân bổ nguồn vốn cho địa phương. 20 năm qua (2002 - 2022), từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Triệu Sơn đã góp phần giúp cho 700 hộ trên địa bàn xã Thọ Bình thoát nghèo, trên 450 hộ thoát cận nghèo; 100% hộ dân ổn định sản xuất, kinh doanh tại chỗ, không còn hiện tượng đất đai bỏ hoang; gần 98% hộ dân đã có nhà xây kiên cố, có hộ đã mua sắm được ô tô, máy xúc, ti vi, tủ lạnh, xe máy và nhiều phương tiện sản xuất khác.
Điển hình như gia đình bà Phạm Thị Tình ở thôn 8 vươn lên thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi với mô hình chăn nuôi trâu sinh sản; gia đình ông Lê Đức Dũng (thôn 10) với mô hình nuôi ong lấy mật; hộ ông Lê Đình Mạnh (thôn 3) với mô hình sản xuất và kinh doanh chổi đót… Thu nhập của các gia đình đạt từ 70 - 80 triệu đồng/năm, người dân có thể tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã theo hướng tích cực.
Những năm qua, để tạo đòn bẩy, tiếp sức cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện có “cần câu cá” vươn lên thoát nghèo bền vững, NHCSXH huyện Triệu Sơn đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt việc tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn; củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn để làm tốt việc ủy thác, cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình. Trong 20 năm qua, NHCSXH huyện Triệu Sơn đã triển khai cho 40.934 lượt hộ nghèo vay vốn, với tổng doanh số cho vay đạt 642,8 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ đạt 590,9 tỷ đồng. Đối với hộ cận nghèo sau 10 năm thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH huyện đã cho vay 422,5 tỷ đồng, với 10.641 lượt hộ đã được vay vốn, tổng doanh số thu nợ đạt 293,7 tỷ đồng. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành nguồn lực quan trọng tiếp sức cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tại huyện Nông Cống, những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, cùng sự thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong công cuộc giảm nghèo, huyện đã gặt hái được nhiều thành công. Điều này thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện ngày càng giảm, số hộ có thu nhập khá ngày càng tăng lên. Theo thống kê, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 2,7%, hộ cận nghèo là 5%.
Đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH huyện Nông Cống trong việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua nguồn vốn vay ưu đãi. Trong quá trình triển khai cho vay, NHCSXH huyện không chỉ đảm bảo đúng quy trình, quy định mà còn thường xuyên quan tâm tuyên truyền các chính sách mới đến người dân, chuyển vốn tận tay người cần vốn cũng như việc sử dụng vốn có hiệu quả. Đồng thời, cán bộ NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội bám sát địa phương, tìm hiểu mục đích vay vốn của các hộ để hướng dẫn, định hướng, kiểm tra quá trình sử dụng vốn. Thông qua tín dụng ưu đãi, đồng vốn chính sách đã đến tay các hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Cũng từ đó, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều tấm gương gia đình thoát nghèo, như gia đình bà Nguyễn Thị Vòng, thôn 4, xã Hoàng Giang là một trong những tấm gương “vượt khó” tiêu biểu trên địa bàn huyện nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Trước đây gia đình bà có 4 thế hệ cùng chung sống, do không có vốn, lại không biết cách làm ăn nên thuộc diện hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, sau khi được NHCSXH huyện Nông Cống tạo điều kiện cho vay 45 triệu đồng, bà đã đầu tư vào mua bò sinh sản, đào ao thả cá. Với sự cần cù, chịu khó, biết cách làm ăn nên gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập khá.
Với việc triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các chương trình tín dụng, NHCSXH đã đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đó được coi như “cần câu cá” tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, qua đó phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh Nguyễn Đạt

Các tin bài khác