Động lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Huy động nhiều nguồn lực
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc đồng bộ, triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở Quảng Nam là tạo sự đồng thuận, thống nhất hưởng ứng của cả hệ thống chính trị trong huy động nhiều nguồn lực, tập trung các nguồn vốn để giúp người dân giảm nghèo, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP Tam Kỳ cho biết: 13/13 Chủ tịch UBND cấp xã, phường đều tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP Tam Kỳ, cùng triển khai tín dụng chính sách, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tuyên truyền sâu rộng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, ngân sách thành phố đã ủy thác sang NHCSXH TP Tam Kỳ hơn 12 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác trong 20 năm qua lên 14.463 tỷ đồng. Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào đời sống, đạt được những kết quả như kỳ vọng.
Tại huyện Phú Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết: Trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, địa phương thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện. Đơn vị đã tham mưu cấp ủy, chính quyền huyện rà soát, cân đối, trích bổ sung ngân sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tín dụng chính sách. Các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc mạnh mẽ, góp phần khẳng định tính minh bạch, công khai của hoạt động tín dụng chính sách. Nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đánh giá: Qua triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Cùng với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được củng cố và nâng cao. Nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát, vốn Nhà nước được bảo toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các hộ vay.
Đến cuối quý II/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 6.150 tỷ đồng (tăng 597 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 10,74%). Toàn tỉnh đã có 13.203 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi; tạo việc làm cho 8.336 lao động; 337 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 13.800 công trình nước sạch vệ sinh; xây dựng 241 ngôi nhà ở xã hội.
Phát huy nguồn vốn vay ưu đãi
Dòng vốn chính sách được khơi thông từ Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành nguồn lực quan trọng, làm đòn bẩy cho các hộ đồng bào DTTS khó khăn ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang… phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Ngọc Liêm ở thôn Phương Tân, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình được vay 50 triệu đồng nguồn vốn của NHCSXH huyện vào năm 2019 đã từng bước đầu tư mô hình nuôi ốc hương. Chỉ với 2 ao nuôi, ông Liêm ước tính mỗi năm có thể thu lãi hàng tỷ đồng.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Nam Trà My Trần Văn Quang, từ nguồn vốn chính sách, người dân miền núi đã được tiếp sức để trồng rừng, nâng độ che phủ rừng, đa dạng hóa sinh kế, nhất là trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh và vươn lên làm giàu. Chỉ thị số 40-CT/TW thực sự đã giúp hoạt động tín dụng chính sách đóng góp tích cực trong giảm nghèo, phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương. Đáng chú ý là chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 3,3%/năm, thời hạn cho vay dài, mức cho vay lên đến 100 triệu đồng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn trồng quế, đảng sâm… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam cho biết: Đã có những chuyển biến sâu sắc khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Tuy vậy, vẫn còn hạn chế là việc một số nơi, lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách chưa kịp thời, chưa thực sự gắn tín dụng chính sách với mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương nên hiệu quả sử dụng vốn chưa như mong muốn.
Để triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW hiệu quả hơn, cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác với mức 100 - 150 tỷ đồng/năm sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bài và ảnh Việt Nguyễn
Các tin bài khác
- » An cư, lạc nghiệp nhờ vốn chính sách
- » “Bà đỡ” xây dựng nông thôn mới ở Quảng Điền
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở miền quê thuần nông
- » NHCSXH tỉnh Lạng Sơn 20 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » 20 năm qua có trên 421 nghìn lượt hộ nghèo ở Cao Bằng được vay vốn chính sách
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở Sơn La
- » Tiếp vốn cho người dân ven biển Phú Yên cải thiện sinh kế
- » Tín dụng chính sách góp phần tích cực thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội ở Đồng Tháp
- » Vốn vay hỗ trợ thanh niên Mộ Đức khởi nghiệp
- » Cầu nối đưa chính sách tín dụng đến người nghèo