Vươn lên thoát nghèo nhờ vốn tín dụng ưu đãi

13/10/2021
(VBSP News) Anh Hồ Văn Bính và chị Hoàng Thị Lý ở xóm 6, xã Liên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) là hộ nông dân nghèo. Dù cả hai vợ chồng Bính đã bươn chải nhiều nghề để kiếm sống, nhưng nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Thế nhưng, nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, vợ chồng anh Bính đã vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
nghe an

Cơ sở sản xuất quạt lúa của anh Hồ Văn Bính

Năm 2014, vợ chồng anh Bính đến xóm 6 thuê kiốt cạnh đường 7 làm nghề sữa chữa xe máy, vợ tráng bánh mướt bán cho khách quanh vùng, công việc cực nhọc, vất vả ngày đêm mà đồng tiền làm ra không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Bao đêm trăn trở trong giấc ngủ chập chờn, vợ chồng Bính quyết định chuyển nghề với cách nhìn xa hơn, tư duy thoáng đạt hơn trong cơ chế thị trường để thoát khỏi cảnh nghèo “không có thâm niên” của một gia đình có 2 vợ chồng trẻ.
Thế rồi chồng chuyển sang làm công thợ hàn, vợ về nhà làm ruộng, chăn nuôi, chăm cha chồng bị ung thư với người mẹ già yếu. Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn nhưng kinh tế của vợ chồng Bính vẫn bị thiếu trước hụt sau. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2015, gia đình anh Hồ Văn Bính được kết nạp vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm 6; sau đó được bình xét cho vay vốn số tiền 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo từ nguồn tín dụng ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Thành. Có vốn, vợ chồng anh Bính đã đầu tư mua bò sinh sản phát triển chăn nuôi. Cuối năm 2016, vợ chồng anh Bính quyết định bán đàn bò, cộng thêm thu nhập từ việc làm công thợ của anh sau 2 năm, đã trả hết nợ nần và tích lũy được ít vốn kha khá.
Với ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn bứt phá vươn lên, anh Bính bàn với vợ mạnh dạn dùng số tiền đã tích góp được và vay thêm vốn để đầu tư làm ăn với một khát vọng cháy bỏng là làm giàu chính đáng để ổn định cuộc sống. Được vợ đồng thuận, anh Bính đã đầu tư mua máy móc và vật liệu cần thiết; với kinh nghiệm học được từ những ngày làm công cho chủ thợ, nhận thấy trên thị trường hiện tại nhu cầu quạt lúa cho các hộ nông dân trên địa bàn rất cao, nên anh đã đầu tư sản xuất quạt lúa. Năm 2018, cơ sở của anh sản xuất được 500 chiếc, năm 2019, sản xuất tăng lên 3.500 chiếc, năm 2020, anh mở rộng thị trường vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình và đã tiêu thụ được 8.000 chiếc. Chỉ tính riêng năm 2020, thu nhập của gia đình anh Bính lãi gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí. Hiện nay, gia đình anh Bính không những đã thoát nghèo mà còn là hộ giàu của xóm.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH để khởi nghiệp ban đầu, đến nay, anh Bính đã đầu tư mua máy móc công nghệ cao phục vụ cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp và đã phát triển thành xưởng lớn, tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động, với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Từ những thành quả đã đạt được, năm 2020, gia đình anh Hồ Văn Bính đã được bình xét là “hộ gia đình SXKD giỏi giai đoạn 2016 - 2020” của xã Viên Thành.
Anh Bính chia sẻ: “Vợ chồng tôi biết ơn Ban giảm nghèo và Hội Nông dân của xã Viên Thành nhiều lắm; biết ơn Tổ tiết kiếm vay vốn xóm 6, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Thành, đã tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay vốn trong lúc khó khăn chồng chất, làm động lực cho vợ chồng tôi vươn lên thoát nghèo và có được như ngày hôm nay. Tôi nghĩ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH sẽ tiếp tục lan tỏa đến nhiều hoàn cảnh khó khăn của người nông dân trên mọi vùng nông thôn, tạo điều kiện giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống”.
Chia tay anh Bính và chị Lý, bỗng dưng tôi thấy mình như trẻ thêm, khỏe thêm và tràn đầy sức sống khi trong tôi chất chứa một niềm tin vững chắc rằng: Nhất định mọi vùng quê sẽ khởi sắc và dần dần giàu đẹp, khi càng ngày càng giảm nhanh hộ nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sác.

Nguyễn Thị Thịnh

Các tin bài khác