Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vùng cao trách nhiệm, tâm huyết với người nghèo

12/08/2021
(VBSP News) Theo bước chân các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chúng tôi đến thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Hỏi nhà ông Đinh Văn Ni - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, người dân nơi đây ai cũng đều biết và yêu quý ông, với tấm lòng nhiệt huyết, hết lòng vì người nghèo, người DTTS và các đối tượng chính sách khác tại thôn Gò Ra.
to1

Tổ trưởng Đinh Văn Ni thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm của hộ vay tại địa phương

Sau gần 20 năm gắn bó với NHCSXH, người đàn ông dân tộc H’re với uy tín của mình tại địa phương được 100% tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tin tưởng, tín nhiệm bầu ông làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đại diện cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ký hợp đồng ủy nhiệm với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hà từ khi mới thành lập đến nay.

Mới buổi ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ về nghiệp vụ song được sự tận tình, giúp đỡ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo của địa phương, với việc hướng dẫn nghiệp vụ của cán bộ NHCSXH huyện và được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do NHCSXH tổ chức hàng năm, ông đã quen dần và nắm bắt nghiệp vụ rất nhanh. Ông Đinh Văn Ni đã không quản ngại khó khăn, tận tụy với công việc, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, giúp nhiều tổ viên vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trước đây xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà là một xã khó khăn của huyện miền núi nằm phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi và là một trong 61 huyện nghèo của cả nước. Nơi đây, người dân gắn bó với ruộng vườn, chăn nuôi, trồng cây keo, mì quanh năm. Ngoài kế sinh nhai là sản phẩm thu hoạch từ nông nghiệp, người dân đã làm thêm bao nghề phụ khác…, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, chật vật. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS nơi đây đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi bò, trâu, trồng cây ăn quả, cây keo lai, làm mộc, may mặc… Đến nay, cuộc sống nơi đây đã đổi thay từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2020 chỉ còn 8,90% (năm 2016 là 34,34%), đến cuối năm 2020, xã đã về đích nông thôn mới.

Với vai trò là một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông luôn sâu sát nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn của tổ viên, ông tìm tòi, cần cù, chịu khó học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu kĩ nội dung các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, xuất khẩu lao động nước ngoài, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay HSSV, giải quyết việc làm, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Đối tượng áp dụng và quy trình thực hiện vay vốn, ông tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ tổ viên. Ông thường xuyên tổ chức và duy trì sinh hoạt tổ, phối hợp với Trưởng thôn tổ chức họp bình xét cho vay công khai, minh bạch, hướng dẫn tổ viên vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đầy đủ hằng tháng, tham gia gửi tiết kiệm đều đặn, trả nợ gốc phân kỳ hàng năm từ khoản tiết kiệm dành dụm trong năm chuyển khoản ông là cầu nối giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn mạnh dạn tham gia vào tổ để vay vốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, đã phát huy hiệu quả đồng vốn ưu đãi. Đến nay dư nợ tại tổ đạt 2.523 triệu đồng với 59 tổ viên còn dư nợ, bình quân 42 triệu đồng/tổ viên.

to2

Ông Ni trao đổi, chia sẻ với cán bộ NHCSXH huyện Sơn Hà

Ngoài ra, ông còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm từ tổ viên hàng tháng với mức tối thiểu 100 nghìn đồng/tổ viên, số dư tiết kiệm đạt 161 triệu đồng, bình quân 2,7 triệu đồng/tổ viên. Từ kinh nghiệm, uy tín của ông, tổ viên đều chấp hành đầy đủ các quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó tổ không có lãi tồn đọng, không có nợ quá hạn phát sinh, nợ đến hạn tổ viên chấp hành nghĩa vụ trả nợ 100%, đánh giá xếp loại tổ hàng tháng luôn đánh giá xếp loại Tốt. 

Ngoài làm tốt công tác tuyên truyền vận động, ông Ni còn hướng dẫn hộ viên làm ăn, phát huy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi tạo việc làm ổn định, làm ăn có hiệu quả, từ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài hỗ trợ tổ viên vay vốn SXKD, ông còn giúp tổ viên tiếp cận nguồn vốn vay chương trình HSSV để nuôi con, trang trải chi phí học tập, có công việc làm ổn định. 

Điển hình như anh Đinh Văn Xuân, từ là hộ nghèo trước năm 2015, anh vay 30 triệu đồng đầu tư trồng keo, trồng mì, đến hạn, anh trả hết nợ và tiếp tục vay vốn chương trình hộ gia đình SXKDtại vùng khó khăn với số tiền 50 triệu đồng. Anh đầu tư vào đám keo, mở thêm xưởng mộc tạo việc làm cho 2 lao động. Hàng năm trừ các chi phí, gia đình anh Đinh Văn Xuân thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm, trở thành một trong các hộ thoát nghèo bền vững tại địa phương.

Có thể nói Ông Đinh Văn Ni là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tâm huyết, tận tâm, trách nhiệm với công việc, luôn chăm lo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, ông luôn nghĩ cách để vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng với mức tăng dần, tạo cho tổ viên quen dần tiết kiệm chi tiêu, dành dụm, giảm bớt gánh nặng cho từng tổ viên khi trả nợ đến hạn. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài và ảnh Lê Thanh Tùng

Các tin bài khác