Vốn tín dụng chính sách vượt khó hỗ trợ tốt cho nông dân nghèo

26/01/2017
(VBSP News) Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Lại Xuân Môn (ảnh) chia sẻ, ít có năm nào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn gặp nhiều rủi ro, bất lợi như năm 2016. Theo đó, hoạt động ủy thác tín dụng chính sách giữa NHCSXH và Hội Nông dân cũng đã đi qua một năm nhiều vất vả, khó khăn, nhưng cơ bản vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Đó là đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn, chất lượng tín dụng; kết hợp, lồng ghép việc giải ngân vốn ưu đãi với hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách...

Vốn tín dụng chính sách vượt khó hỗ trợ tốt cho nông dân nghèo 1

Phóng viên: Năm 2016, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn chịu nhiều bất lợi, rủi ro. Đây cũng là lĩnh vực những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm bố trí nhiều chương trình tín dụng chính sách. Vậy ông có thể chia sẻ những vất vả, khó khăn trong hoạt động ủy thác tín dụng chính sách giữa các cấp Hội Nông dân trong năm 2016?

Trả lời: Có lẽ ít năm nào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn lại phải đối mặt với bất lợi, khó khăn lớn như năm 2016. Liên tiếp trong năm, lĩnh vực này đã chịu nhiều bất lợi. Đầu năm thì rét đậm, rét hại, băng tuyết gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi cho nông dân nhiều tỉnh khu vực phía Bắc. Đầu mùa mưa thì người dân nhiều địa phương bị thiệt hại rau màu do mưa đá, tố lốc. Đầu tháng 4 cho tới tháng 6 xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển gây thiệt hại nặng nề về sinh kế của nông dân, ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Tại Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ thì trải qua đợt hạn hán khốc liệt. Còn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì chịu một mùa hạn mặn kỷ lục hiếm thấy trong lịch sử. Từ trung tuần tháng 10 cho tới đầu tháng 12 mưa lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung. Tác động của ô nhiễm môi trường biển và thiên tai, bão lũ, diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đã không chỉ khiến thiệt hại về người mà còn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đối với nền kinh tế, trong đó chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp…

Theo đó, trong năm 2016, Hội Nông dân các cấp nhiều địa phương đã phải “căng mình”, nỗ lực ở mức cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên nói chung và hoạt động tín dụng ủy thác với NHCSXH nói riêng Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân đã chỉ đạo hội các địa phương, phối hợp với NHCSXH, các ban, ngành địa phương rà soát, thống kê thiệt hại tại phần vốn vay của hội viên, nông dân để ngân hàng làm căn cứ xử lý; tiến hành các công đoạn ủy thác để cho vay bổ sung, cho vay mới giúp nông dân khôi phục sản xuất. Trung ương Hội Nông dân đã kêu gọi và tiến hành quyên góp được hơn 7 tỷ đồng, cử 5 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo hội đi thăm, động viên 5.521 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại về người và tài sản. Không chỉ đi thăm hỏi, động viên bà con mà các đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân còn có nhiệm vụ nắm bắt tình hình về các chương trình tín dụng ưu đãi qua NHCSXH để từ đó có kiến nghị, đề xuất Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành có giải pháp giải quyết khó khăn cho bà con nông dân vùng thiên tai…

Trong những thời điểm khó khăn, để ổn định tư tưởng nông dân và đứng trước khối lượng công việc lớn, cán bộ tín dụng, cán bộ Hội Nông dân nhiều địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đã “căng mình” làm ngày, làm đêm; 3 cùng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Điều đáng phấn khởi là với sự nỗ lực của NHCSXH, các tổ chức hội, đoàn thể tham gia ủy thác, hết năm 2016, tín dụng chính sách đã đạt được những kết quả tích cực.

Nông dân Nguyễn Văn Dũng ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (Hà Nam) vay vốn để mở rộng diện tích trồng cam, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng

Nông dân Nguyễn Văn Dũng ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (Hà Nam) vay vốn để mở rộng diện tích trồng cam, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng

Phóng viên: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật, cơ bản trong hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách thông qua Hội Nông dân trong năm 2016?

Trả lời: Tổng dư nợ các chương trình vốn tín dụng chính sách của NHCSXH ủy thác qua Hội Nông dân là 50.263 tỷ đồng, tăng 3.873 tỷ đồng so với cuối năm 2015, đạt 258,2% so với kế hoạch đề ra. Hội Nông dân đang thực hiện ủy thác 16 chương trình tín dụng chính sách với hơn 2,2 triệu hộ vay, mức vay bình quân của một hộ đã tăng hơn 20 triệu đồng. Nếu như năm 2015, tỷ lệ nợ quá hạn trung bình của toàn hệ thống hội là 0,38% thì năm 2016 tỷ lệ này đã tăng nhẹ 0,08% lên gần 0,4%. Nguyên nhân của việc này có phần chính là do lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2016 chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bất lợi về thời tiết và sự cố ô nhiễm môi trường các tỉnh ven biển miền Trung. Ngay trong 6 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp tăng trưởng âm, tính chung cả năm chỉ tăng trưởng có 1,2% cũng là bởi ảnh hưởng của thiên tai, bất lợi thời tiết, biến đổi khí hậu và sự cố ô nhiễm môi trường biển. Thiệt hại về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã ảnh hưởng đến việc trả nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Tuy tỷ lệ nợ quá hạn có tăng nhẹ so với năm 2015, nhưng cơ bản hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn giữ được tỷ lệ nợ quá hạn thấp dưới 1%, nhiều địa phương không có phát sinh nợ mới.

Trong năm 2016, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình ủy thác vốn tín dụng chính sách tiếp tục được các cấp Hội Nông dân trong cả nước chú trọng, quan tâm. Công tác giao ban định kỳ giữa NHCSXH với các cấp Hội Nông dân tiếp tục được duy trì, chất lượng các buổi giao ban tốt hơn, công tác kiểm tra được các cấp hội thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; vận động các hộ vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm được đẩy mạnh.

Phóng viên: Để đạt được những kết quả nêu trên, trong năm 2016, Hội Nông dân đã có những giải pháp nào nhằm chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác ủy thác tín dụng chính sách?

Trả lời: Năm 2016, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân đã nỗ lực tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành hội phối hợp với NHCSXH cùng cấp tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; phổ biến, thông tin kịp thời các chính sách mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ… các quy định của NHCSXH về thu lãi, thu gốc, thu tiết kiệm; chính sách giảm lãi khi trả nợ trước hạn; các hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng mới đến cán bộ hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Hội Nông dân cũng khẩn trương chỉ đạo cấp hội cơ sở phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trên địa bàn nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện tốt công tác bình xét cho vay. Chúng tôi đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn và đôn đốc Hội Nông dân cơ sở khắc phục những hạn chế đã được phát hiện. Hội Nông dân tập trung chỉ đạo những nơi có nợ quá hạn, nợ tồn đọng cao phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương tích cực thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ lãi, nợ chiếm dụng (nếu có); thực hiện kiểm kê, đối chiếu và phân loại nợ, khả năng trả nợ của người vay; hạn chế phát sinh nợ mới… Các cấp Hội Nông dân chủ động và phối hợp với NHCSXH tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hội được phân công quản lý, theo dõi chương trình ủy thác và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; kết hợp giải ngân vốn vay ưu đãi với hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, tư vấn, dịch vụ, hướng dẫn cách làm ăn cho nông dân. Qua đó, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng hiệu quả đồng vốn…

Phóng viên: Ông có thể cho biết, công tác kiểm tra, giám sát các chương trình vốn tín dụng chính sách của Hội Nông dân trong năm 2016 được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Ngay từ đầu năm, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Trung ương Hội Nông dân đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát về hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trong năm qua, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trực tiếp tổ chức các Đoàn kiểm tra và phối hợp với NHCSXH thực hiện kiểm tra, giám sát tại nhiều tỉnh, thành hội. Ngoài ra, Ban còn cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra của Thường trực Trung ương Hội Nông dân đi kiểm tra theo chương trình của HĐQT NHCSXH tại các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng; đoàn kiểm tra liên ngành về chương trình tín dụng cho vay HSSV tại 4 tỉnh Hà Nam, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long… Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016, các cấp Hội Nông dân cả nước đã tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vay vốn; kiểm tra hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và người vay.

Qua kiểm tra, các tỉnh đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân, các văn bản thỏa thuận đã ký với ngân hàng và thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ cho vay vốn do Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương hướng dẫn. Trong mỗi đợt kiểm tra các đoàn đều lập biên bản kiểm tra, sau kiểm tra có thông báo kết quả kiểm tra đến Hội Nông dân các tỉnh, thành phố được kiểm tra; hồ sơ kiểm tra được lưu giữ đầy đủ. Hầu hết các cơ sở hội đều quản lý tốt nguồn vốn vay, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thu hồi vốn đầy đủ khi đến hạn.

Phóng viên: Thưa ông, để hoạt động ủy thác tín dụng chính sách được thực hiện tốt hơn trong năm 2017, Hội Nông dân có những kiến nghị, đề xuất gì?

Trả lời: Để có điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo góp phần hiệu quả cho mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; đặc biệt để ổn định đời sống nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách vùng vừa bị thiệt hại bởi thiên tai, mưa lũ, sự cố ô nhiễm môi trường Hội Nông dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo các Quyết định của Thủ tướng đã ban hành; đề nghị HĐND, UBND các cấp cần tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; các Bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng chính sách về giống, tiến bộ kỹ thuật, vật tư… qua đó giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; đề nghị NHNN, NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện bố trí nguồn vốn cho vay để thực hiện một số mô hình điểm do Hội Nông dân chỉ đạo theo hướng cho vay theo dự án nhằm giúp người nghèo vươn lên có sự tham gia của hộ khá, giàu; cần tăng cường công tác thông tin hai chiều, duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng giao ban định kỳ giữa NHCSXH với Hội Nông dân và các hội, đoàn thể nhận ủy thác khác ở các cấp…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Đông - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác