Vốn tín dụng chính sách đã đến vùng dân tộc miền núi Bắc Bình

09/01/2015
(VBSP News) Tuy hoạt động ở một huyền miền núi rộng lớn bao gồm 18 xã, thị trấn với 25.507 hộ dân, trong đó có tới 6 xã thuộc vùng khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân là 8,15%, riêng ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Phan Sơn, Phan Tiến, Phan Điền... tỷ lệ này còn cao trên 22% nhưng nhờ bám sát các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và sự nỗ lực tạo lập nguồn lực tài chính và khai thông dòng chảy các chương trình tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã tạo điều kiện kịp thời cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi bò, nay đã thoát nghèo

Chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi bò, nay đã thoát nghèo

Ông Nguyễn Tấn Vinh - Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Bình, cho biết: Đơn vị luôn bám sát các chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành để tập trung giải ngân, quản lý hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa huyện Bắc Bình này đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ của 10 chương trình tín dụng ưu đãi ở huyện Bắc Bình đạt 190 tỷ đồng với 16.700 hộ còn dư nợ, đạt % kế hoạch cả năm. Một số chương trình cho vay có dư nợ lớn như hộ cận nghèo, hộ cận nghèo; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… đặc biệt chương trình cho vay hộ nghèo theo quy định mới về nâng mức vay, hạ lãi suất đã giải ngân cho 16 hộ với số tiền là 665 triệu đồng, bình quân 41,5 triệu đồng/hộ, trong đó có 3 hộ người Chăm ở vùng rẻo cao Phan Sơn được vay mức cao nhất với số tiền 50 triệu đồng/hộ.

Đạt được kết quả đó trước tiên phải kể đến vai trò của Ban đại diện HĐQT và Ban điều hành NHCSXH huyện Bắc Bình đã tham mưu cho UBND huyện về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng chính sách, đơn cử như ngay khi nhận được chỉ tiêu nguồn vốn huyện đã kịp thời phân bổ giao về cơ sở, đồng thời ra văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương xét và chia giao cho các thôn để bình xét cho vay thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách không chỉ làm việc cả ngày nghỉ thực hiện giải ngân nhanh cho các khách hàng đã hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, mà còn nắm bắt rất cụ thể danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đang còn dư nợ để có giải pháp xử lý phù hợp.

Cùng với đó, NHCSXH huyện Bắc Bình cũng tập trung giúp các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác và củng cố chất lượng hoạt động của 316 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn nâng cao năng lực quản lý, giám sát nguồn vốn vay, tổ chức xử lý các khoản nợ quá hạn. Với cách làm này, đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác cấp huyện đã tiến hành kiểm tra 38/42 lượt hội cấp xã. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác cấp xã, thị trấn cũng thực hiện kiểm tra các Tổ tiết kiệm và vay vốn về tình hình sử dụng vốn vay và đối chiếu dư nợ.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Bắc Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tín dụng chính sách. Đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rừng, chú trọng gắn kết có hiệu quả với chương trình giảm nghèo, giải quyết lao động, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo, huy động nguồn vốn dân cư theo lãi suất thị trường, nguồn vốn hỗ trợ hàng năm từ ngân sách huyện để tăng trưởng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bài và ảnh Bùi Thị Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác