Vốn chính sách giúp phụ nữ vùng cao dựng xây cuộc sống ấm no
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Than Phan Thị Duyên, cho biết: “Được sự hướng dẫn của NHCSXH huyện, 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý được thành lập từ năm 2009. Ngày mới thành lập rất ít hội viên tiếp cận tới nguồn vốn chính sách bởi đa số họ đều là hộ nghèo, chủ yếu sống bằng trồng thảo quả, trình độ nhận thức có hạn nên không tự tin, mạnh dạn vay vì nợ không trả được nợ. Nhưng sau khi nghe cán bộ ngân hàng và Hội Phụ nữ trực tiếp giảng giải, tuyên truyền, chị em hiểu những lợi ích do nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước mang lại. Từ đó, các hội viên đã tự nguyện tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn và làm đơn xin vay vốn để phát triển kinh tế.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Kiều Thị Mơ là một trong những hội viên tiêu biểu trong việc sử dụng vốn vay phát triển kinh tế của thôn Sen Đồng. Trước đây nhà chị thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được cán bộ NHCSXH huyện, Hội Phụ nữ xã vận động, hướng dẫn vay vốn, năm 2011, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn chị mạnh dạn vay 20 triệu đồng để mua một con trâu sinh sản. Cùng với đó, chị còn được hỗ trợ về kiến thức chăm sóc và phòng bệnh nên con trâu “đầu cơ nghiệp” khoẻ mạnh. Từ số tiền lãi do nuôi trâu sinh sản, chị Mơ có thêm vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi cả lợn, gà để cuối năm vừa qua, gia đình tăng nguồn thu từ chăn nuôi trên 100 triệu đồng, thoát hẳn nghèo, lại sửa sang nhà ở cao ráo, vững chắc. “Số tiền trước đây cả trong mơ tôi cũng không nghĩ tới thì nay đã hiện ra trước mặt rồi. Ngôi nhà mới này cũng mang lại niềm vui lớn cho mọi người dịp Tết đến, Xuân về, tôi thấy đều nhờ sự hỗ trợ của đồng vốn chính sách và sự giúp đỡ tận tình của Hội Phụ nữ địa phương” chị Mơ tâm sự.
Cũng giống chị Mơ, với mong muốn thoát nghèo bền vững, chị Lò Thị Phú ở bản Én Noi đã vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện đầu tư vào phát triển chăn nuôi và mua máy móc mở dịch vụ xay xát lương thực. Chị Phú chia sẻ: “Trước đây tuy tìm được đường đi hướng làm để phát triển kinh tế nhưng khổ nỗi là thiếu tiền vốn quá nên mọi dự định của gia đình tôi đành phải gác lại. May mà được vay vốn chính sách thuận lợi, kịp thời, nay gia đình đã nuôi vỗ béo đàn lợn 35 con, 2 con trâu sinh sản, 1 bộ máy nghiền ngô, xát gạo, mỗi năm lãi ròng đến 70 - 80 triệu đồng”.
Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, Hội Phụ nữ xã Mường Than phối hợp với NHCSXH, chỉ đạo hướng dẫn các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Hàng tháng, cử cán bộ tham dự các buổi giao dịch của NHCSXH để giám sát cụ thể việc vay vốn, sử dụng vốn chính sách của hội viên. Tính đến nay, hội đã uỷ thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên 8 tỷ đồng, chiếm 34,7% tổng dư nợ của toàn xã. Nhờ nguồn vốn này, đã giảm nhanh tỷ lệ phụ nữ nghèo. Nếu năm 2010 là 94 hộ thì nay chỉ còn 37 hộ, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Có thể khẳng định, nguồn vốn uỷ thác thông qua Hội Phụ nữ xã Mường Than đã góp phần tạo mối quan hệ gắn bó giữa phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà của Hội Phụ nữ với hội viên giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh Lê Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo nhờ tác động kép từ nội và ngoại lực
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Hội nghị giao ban công tác ủy thác năm 2014
- » Góp sức tạo bước đột phá về an sinh xã hội
- » Thung lũng Lạc Xuân trên cao nguyên vào xuân sớm
- » Niềm vui trước Tết ở một làng nghề
- » Sóc Trăng với nguồn vốn ưu đãi
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Yên Thái với mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách”
- » Giảm nghèo ở dải đất hẹp Quảng Bình