Tín hiệu vui từ nguồn vốn chính sách

30/01/2023
(VBSP News) Nhờ triển khai hiệu quả nên các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đã tạo động lực, giúp người dân tỉnh Đồng Tháp có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.
bx3-8a

Cơ sở Thực phẩm chay Bảy Lên tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương

Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
Trong nhiều năm qua, hoạt động tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp phù hợp với thực tiễn và huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia đã phát huy hiệu quả. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động tín dụng chính sách được triển khai tích cực, kịp thời góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, nguồn vốn chính sách đã triển khai thực hiện tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp Lê Bình cho biết: Những năm qua, các chương trình tín dụng của NHCSXH ngày càng phát huy hiệu quả, kịp thời hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để SXKD, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện nay, chi nhánh đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng với dư nợ trên 4.200 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 4.000 tỷ đồng, với gần 146.000 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng hơn 96% trên tổng dư nợ của chi nhánh.
Hiện nay, nguồn vốn chính sách đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; các hộ hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên, sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm

bx3-8d

Nhiều lao động nữ có việc làm ổn định tại Cơ sở may gia công Phúc Hậu ở xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh

Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những hiệu quả thiết thực. Với nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đã mạnh dạn thay đổi cách làm, đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Trước đây, Cơ sở Thực phẩm chay Bảy Lên ở ấp Nhất, xã An Phong, huyện Thanh Bình do cô Nguyễn Thị Niêu làm chủ chỉ mua bán nhỏ lẻ, các công đoạn chế biến đều làm thủ công nên số lượng sản phẩm ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng, cô Niêu đầu tư máy cắt, lò sấy để mở rộng sản xuất.
Cô Nguyễn Thị Niêu chia sẻ: Trong công việc kinh doanh, chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất nên tôi luôn chú trọng sử dụng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ tốt cho khách hàng. Nhờ đó, việc sản xuất ngày càng phát triển và tạo việc làm ổn định cho 25 lao động tại địa phương với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện sản phẩm chay của cơ sở có các mặt hàng như: dưa đu đủ, khô sườn non, chả giò, chả viên… được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi sản phẩm có hương vị tự nhiên, giá thành phải chăng.
Vào những dịp ngày rằm, Tết, Cơ sở Thực phẩm chay Bảy Lên tất bật vào mùa, nhân công tranh thủ làm không nghỉ tay cho kịp các công đoạn để đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bà Nguyễn Thị Giấy - nhân công của cơ sở cho biết: “Từ khi Cơ sở Thực phẩm chay Bảy Lên đi vào hoạt động, tôi có việc làm ổn định, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Tôi làm công đoạn đóng gói và dán nhãn, công việc nhẹ nhàng. Cô chủ cũng rất quan tâm hỗ trợ đời sống của nhân công có hoàn cảnh khó khăn, Tết năm nào cũng tặng quà, tiền thưởng nên tôi rất vui khi gắn bó với công việc này”.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã An Phong, huyện Thanh Bình Võ Thị Bích Tuyền, khi được tiếp cận nguồn vốn chính sách, cô Niêu đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cô Niêu còn thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái”, từ nguồn lợi nhuận của cơ sở, cô đóng góp vào hoạt động xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - chủ Cơ sở may gia công Phúc Hậu ở ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh cho biết: Khi cơ sở mới bắt đầu hoạt động, chị cũng gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư. Sau khi được Hội LHPN xã xem xét cho vay vốn ủy thác của NHCSXH, chị đầu tư mua 10 đầu máy may công nghiệp để phát triển cơ sở. Đến nay, qua nhiều đợt vay, chị đã trả hết nợ ngân hàng, có được 40 máy may, tạo việc làm ổn định cho 50 công nhân, thu nhập bình quân từ 5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo chị Thoa, việc may gia công áo không khó, chủ yếu may theo công đoạn, người chưa biết có thể học vài ngày là làm được. Cơ sở may của chị được phát triển ổn định như ngày nay là nhờ chính quyền địa phương, Hội LHPN tạo điều kiện dạy nghề may cho lao động nông thôn, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Chị Trần Thị Thảo Nguyên ở ấp Đông Hòa, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh cho biết: “Tôi làm ở Cơ sở may gia công Phúc Hậu gần 4 năm, chủ cơ sở quan tâm hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và dịp Tết đều có tặng quà, tiền thưởng nên ai cũng vui mừng. Công việc may gia công áo rất dễ làm, thu nhập ổn định. Ban ngày, tôi may gia công tại cơ sở, tối tranh thủ đem sản phẩm về nhà cắt chỉ, thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Tôi rất yên tâm khi làm việc ở đây, được gần nhà nên thuận lợi chăm sóc gia đình”.
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.

Mỹ Long

Các tin bài khác