Tín dụng chính sách nơi chiến khu xưa Định Hóa
Nếu như năm 2011, tổng số vốn hoạt động của NHCSXH huyện Định Hóa chỉ xấp xỉ 300 tỷ đồng thì đến thời điểm hiện tại đạt trên 409 tỷ đồng. Dư nợ tăng, số hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi nhiều nhưng chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ.
Thực tế toàn bộ hoạt động từ huy động, tạo lập được nguồn vốn khá lớn đến việc tổ chức chuyển tải kịp thời về tận các xã vùng sâu, vùng xa và đến đúng các hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn, chứng minh tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt mọi gian nan thử thách của những cán bộ NHCSXH vùng cao và sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể tại địa bàn. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở các xã, thị trấn trong huyện Định Hóa có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chính sách đã được đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng. Chỉ tính riêng hơn 2 tháng đầu năm 2017, NHCSXH huyện đã cho vay được 30 tỷ đồng với 800 hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 24 xã để kịp thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều gương sản xuất giỏi, thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng. Đó là anh Triệu Văn Tỵ, người dân tộc Tày, cách đây không lâu còn thuộc diện hộ nghèo ở thôn Làng Bầng, xã Đồng Thịnh, nhưng từ khi vay được vốn nuôi dê giống, dần dà cuộc sống đỡ thiếu thốn hơn, nhất là được Hội Nông dân cơ sở khuyến khích, anh vay tiếp 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi dành cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi dê sinh sản, dê giống và bỏ nhốt chuồng, bây giờ cuộc sống gia đình anh Tỵ đã khá giả. Vừa rồi, anh được vinh danh là gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, đồng thời được bà con thôn, xóm tin tưởng bầu chọn giữ trọng trách chi hội trưởng nông dân.
Nguồn vốn chính sách ở miền núi cao Định Hóa không chỉ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện thâm canh đồng ruộng, vườn rừng, phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới. NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư SXKD với xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể năm 2016 đã tập trung cho vay 18/24 xã xây dựng nông thôn mới với doanh số chiếm 78% tổng dư nợ.
Kim Phượng là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Định Hóa đã có trên 600 lượt hộ được vay vốn với dư nợ 16,7 tỷ đồng của 10 chương trình tín dụng chính sách, trong đó 2/5 là số tiền dùng vào việc SXKD, giải quyết việc làm, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nhiều gia đình vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm đã đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập khá như chị Liên, bà Bẩy, anh Phương… nuôi lợn siêu nạc, mở xưởng cơ khí sản xuất nông cụ, kinh doanh thuốc thú y bảo vệ thực vật.
Ông Sầm Văn Bách - Chủ tịch UBND xã Kim Phượng khẳng định: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2% - 3%, hiện tại xã chỉ còn 4,9% hộ nghèo. 100% số hộ của 10 thôn trong xã được vay vốn xây dựng công trình cung cấp nước sạch, xây nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn để sử dụng, hạn chế không bị bệnh tật truyền nhiễm và yên tâm phát triển sản xuất. NHCSXH làm động lực giúp xã Kim Phượng phấn đấu cuối năm nay đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới”.
Đạt được những kết quả đó là nhờ cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp trong huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo và đưa ra những giải pháp tích cực về công tác tín dụng chính sách, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Các xã trên địa bàn đã tiến hành rà soát, điều tra xác minh đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn đảm bảo công khai, chặt chẽ, đúng đối tượng; hạn chế việc cho không, cấp không, tăng cường chính sách cho vay có hoàn trả, chấm dứt tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Cùng với đó, NHCSXH đẩy mạnh việc quản lý, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn, giám sát sử dụng vốn vay thông qua các hội, đoàn thể uỷ thác nhằm giúp hộ vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tạo điều kiện cho nông dân nghèo vay vốn thoát nghèo bền vững
- » Hiệu quả của vốn ưu đãi ở miền sơn cước Hữu Lũng
- » “Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời” cho các LCL tại Thái Nguyên
- » Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách tại vùng khó khăn
- » Thêm nghề để ngư dân vượt khó
- » Tiếp sức cho phụ nữ nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Hưng Yên
- » “Cần câu cơm” hiệu quả của dân nghèo vùng cao
- » Tín dụng chính sách giúp làng nghề phát triển
- » Cần “cú hích” về vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo