Tín dụng chính sách giúp người dân Đại Lộc vươn lên làm giàu

16/07/2021
(VBSP News) Thời gian qua, hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
image001

NHCSXH huyện Đại Lộc cho vay tại các Điểm giao dịch xã

Mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế

Giám đốc NHCSXH huyện Đại Lộc Lê Tấn Hùng cho biết, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt vươn lên khá giả.

Đến thăm mô hình chăn nuôi bò 3B của anh Bùi Tiến Vũ ở thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, anh Vũ cho biết, trước đây, anh làm Phó Bí thư đoàn xã, nhận thấy tiềm năng kinh tế cao của việc trồng cỏ nuôi bò 3B siêu thịt tại xã nhà, đầu năm 2020, anh đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện Đại Lộc 80 triệu đồng, cộng thêm số tiền tích lũy được, anh đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng cỏ, nuôi đàn bò với 20 con.

Từ một con bò 3B từ khi sinh đến khi lớn được 14 tháng là xuất chuồng, riêng với bò cái vì không thuận lợi cho việc sinh sản nên được 6 tháng là xuất bán thịt. Trung bình mỗi con bò 3B có giá bán cao hơn bò thông thường khoảng 10 triệu đồng. Bò 3B đực giống hiện nay có giá khoảng 20 triệu đồng/con, bò giống đủ 5 tháng tuổi sẽ được bán với giá 25 triệu đồng/con, bò 3B trưởng thành (hơn 1 năm tuổi) dao động 48 triệu đồng/con.

Hiện nay, anh Vũ nuôi khoảng 20 con bò 3B mỗi lứa, để có nguồn thức ăn cho bò, anh trồng 10 sào (5.000m2) cỏ voi và cỏ tím để làm nguồn thức ăn xanh nuôi bò. Ngoài ra anh còn bổ sung thêm thân lá cây bắp, cám bắp, cám gạo,… để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho đàn bò phát triển mạnh.

“Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi cảm ơn Nhà nước đã cho tôi vay vốn, là thanh niên trẻ lúc mới khởi nghiệp nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi thì tôi không biết xoay sở thế nào nữa? Dù mới khởi nghiệp, nhưng đến nay, kinh tế của gia đình tôi đã ổn định, tôi vừa xuất bán lứa đầu tiên với 9 con bò đực thịt, được 432 triệu đồng và thu lãi khoảng 240 triệu đồng…”, anh Vũ phấn khởi nói.

Tiếp vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Đại Lộc, những năm qua, đơn vị đã tập trung cho vay theo các chương trình, như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, HSSV có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, NS&VSMTNT… Đặc biệt, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, hàng nghìn hộ dân đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong đó, nguồn vốn cho vay hộ nghèo 13.297 triệu đồng, hộ cận nghèo 28.717 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 169.023 triệu đồng. Nhờ cho vay đúng đối tượng và khách hàng làm ăn hiệu quả nên tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ còn 103 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,027%/tổng dư nợ. Điều này chứng tỏ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã phát huy hiệu quả và trở thành “bệ phóng” giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên.

Thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế; tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo,… vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, cùng với địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Đoàn Hồng - Trần Hậu

Các tin bài khác