Nông dân miền núi Minh Hóa thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách
15 năm trước, gia đình bà Đinh Thị Thất ở tiểu khu 4, thị trấn Quy Đạt là một trong những hộ nghèo ở địa phương. Thu nhập chính của gia đình bà chỉ trông chờ vào việc nuôi 2 con heo, ngoài ra chẳng có gì thêm. Gia đình bà nhiều lúc còn đứt bữa. Sau khi được các cán bộ ở thị trấn Quy Đạt hướng dẫn tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn cách vay vốn để làm ăn, bà Đinh Thị Thất đã vay vốn NHCSXH chương trình cho vay hộ nghèo.
Năm 2006, có trong tay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, bà Đinh Thị Thất mua 2 con bò cái. 5 năm sau, bò đẻ được 5 con bê. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi và chưa biết cách phòng bệnh cho bò nên bò của gia đình bà bị bệnh, còi cọc. Bà Thất cho biết: “Do không có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò nên gia đình tôi nghèo vẫn hoàn nghèo. Tiền nợ ngân hàng đến hạn, tôi phải bán một con bò và hai con bê để trả nợ”.
Năm 2012, bà Thất quyết định vay thêm 15 triệu đồng của NHCSXH rồi đầu tư trồng hơn 200 cây ăn quả, như: ổi, cam, bưởi, trồng mít Thái… Lần này, bà cách trồng và chăm sóc nên cây ăn quả phát triển tốt theo đúng KHKT. Năm 2014, bà Thất tiếp tục vay vốn NHCSXH thêm 15 triệu đồng để đầu tư mở rộng vườn cây ăn quả lên 300 gốc và áp dụng KHKT vào trồng cây. Một năm sau, gia đình bà Thất bước vào vụ thu hoạch cây ăn quả lãi hơn 20 triệu đồng. Các vụ thu hoạch sau, bình quân vườn cây ăn quả của bà Thất cho lãi hơn 40 triệu đồng. Đến năm 2018, gia đình bà Thất thoát nghèo và trả được hết số tiền vay cho ngân hàng.
“Hiện, tôi đang đầu tư để mở rộng vườn cây ăn quả. Mỗi năm, vườn cây ăn quả của gia đình tôi cho lãi gần 70 triệu đồng. Từ số tiền thu nhập đó, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà hơn 500 triệu đồng”, bà Thất cho biết thêm.
Cũng như gia đình bà Đinh Thị Thất, nhiều hộ nghèo ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như: gia đình bà Nguyễn Thị Huấn vay 50 triệu đồng đầu tư mua 3 con trâu, 3 con bò; gia đình bà Đinh Thị Mai vay 50 triệu đồng đầu tư mua 4 con trâu, 2 con bò; gia đình bà Đinh Thị Huyến vay 30 triệu đồng và hiện đang nuôi 7 con bò… Các hộ gia đình trên đã trở thành điển hình về mô hình phát triển kinh tế của huyện miền núi Minh Hóa. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện này từ trên 40% năm 2015 xuống còn 14,66% năm 2020.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tích cực, chủ động phối hợp với NHCSXH hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn ưu đãi của Chính phủ để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn.
Nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của NHCSXH không chỉ giúp hội viên nông dân trong tỉnh Quảng Bình giảm nghèo, từng bước vươn lên khá giả mà còn giúp cho cán bộ Hội Nông dân sâu sát hơn với tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoạt động ủy thác cho vay cũng giúp Hội Nông dân thu hút thêm hội viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.
Bài và ảnh Trần Anh
Các tin bài khác
- » Tri ân các Anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7
- » Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số
- » Nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay chính sách
- » Chung sức giúp miền đất đỏ Bình Dương vươn cao
- » Đổi thay vùng cao biên cương Bắc Hà
- » NHCSXH tổ chức bán đấu giá tài sản thanh lý
- » Tiếp nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế
- » Vốn chính sách vẫn thông suốt trên vùng “tâm dịch” Bắc Giang
- » Vốn nhỏ giúp đồng bào xây cơ nghiệp lớn
- » Phát huy vai trò của CCB trong phát triển kinh tế - xã hội