Tích hợp các chính sách giảm nghèo
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020, tính đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8 - 2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014).
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60% - 70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Bên cạnh đó, chính sách giảm nghèo tương đối toàn diện, bao trùm mọi mặt đời sống của người nghèo, dân tộc thiểu số nhưng còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả chưa cao.
Có một thực tế là việc phát huy các nguồn lực giảm nghèo vẫn chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo; quan điểm trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại không ít ở một số địa phương và người nghèo; mặt khác, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, hạn chế đến việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo ở các doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể, sớm trình ban hành các văn bản sửa đổi, tích hợp chính sách giảm nghèo ngay trong quý I/2015 với các nguyên tắc: Tiếp tục ưu tiên cả chính sách và nguồn lực cho vùng có tỷ lệ nghèo cao, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ hỗ trợ những việc người dân không có khả năng làm, khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không; xác định thứ tự ưu tiên chính sách: Người/hộ nghèo dân tộc thiểu số; người/hộ nghèo, người/hộ cận nghèo, người/hộ mới thoát nghèo.
Chính sách ban hành cũng sẽ phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, ưu tiên việc tích hợp các chính sách hiện hành, từng bước nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách mới, mạnh dạn đề xuất bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp.
Đặc biệt, các mục tiêu cụ thể cũng được đề ra như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như: dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội, thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Thu Cúc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Lào Cai
- » Tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ
- » Hơn 400 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Sóc Trăng
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ năm 2015
- » Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ
- » NHCSXH thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội
- » Đầu tư vào Tây Bắc: Ngân hàng quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo bền vững
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội
- » Họp báo giới thiệu Hội nghị xúc tiến đầu tư an sinh xã hội vùng Tây Bắc và Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu