Sức sống từ Chỉ thị số 40 với đồng bào dân tộc ở Phú Thọ
Thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
Trước đây, gia đình ông Đinh Trọng Nhung, dân tộc Mường, xã Thạch Kiệt, huyện miền núi Tân Sơn là một trong những hộ nghèo nhất, nhì xã. Sau nhiều năm bươn chải với cuộc sống, cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2015, gia đình ông được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.
Có vốn, ông Nhung đã tập trung cải tạo gần 3ha đất đồi của gia đình, sau đó mua toàn bộ cây giống chủ yếu là keo và cây bồ đề về trồng. Sau gần 5 năm chăm sóc, rừng keo và bồ đề đã phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2018, ông Nhung đã trả hết nợ ngân hàng và thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trở thành hộ cận nghèo của xã.
Xác định phải thoát nghèo bền vững, năm 2018, ông Nhung tiếp tục đề xuất Tổ tiết kiệm, bình xét vay vốn hộ cận nghèo. Sau bình xét, ông Nhung được ngân hành cho vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay xuất khẩu lao động để cho con đi lao động nước ngoài, đồng thời đầu tư mở rộng trồng thêm 0,7ha chè và hàng trăm cây bưởi.
“Nhờ vốn vay của ngân hàng chính sách, con tôi đã được đi lao động nước ngoài, hàng tháng nó (con ông Nhung) gửi tiền về cho tôi. Số tiền gửi về tôi đầu tư đào ao, thả cá kết hợp trồng chè và chăm sóc đồi keo và bồ đề… Dự kiến, cuối năm 2019 tôi bán toàn bộ số cây keo và bồ đề, cá, chưa kể 0,7ha chè cũng thu về cả trăm triệu đồng…”, ông Nhung chia sẻ.
Cùng với chủ trương chung của NHCSXH tỉnh Phú Thọ dồn vốn cho những địa bàn khó khăn, dòng chảy tín dụng về các xã ngày càng mạnh và phủ rộng, hòa quyện cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn khẳng định, thông qua nguồn vốn của NHCSXH, người dân đã phát huy được thế mạnh của địa phương tập trung chăn nuôi nhỏ lẻ kết hợp cải tạo vườn tạp, trồng rừng, làm dịch vụ… Nhờ đó, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 40% thì đến nay thông qua nguồn vốn NHCSXH tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11%.
Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn Tăng Tiến Sỹ cho biết, trong 05 năm triển khai Chỉ thị số 40, tại Tân Sơn đã có trên 16.000 lượt hộ nghèo và các đội tượng chính sách được vay vốn ngân hàng. Thông qua nguồn vốn đã giúp cho trên 3.000 hộ nghèo vay phát triển sản xuất; trên 500 HSSV được vay vốn để đi học; gần 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo và xây dựng mới…
Không để người nghèo thiếu vốn
Với phương châm không để người nghèo thiếu vốn, những năm qua NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để người dân có vốn phát triển sản xuất. Ông Trương Việt Phương - Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết, Chỉ thị số 40 đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn tỉnh; tạo sức mạnh tổng hợp, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cán bộ và nhân dân.
Quan điểm đột phá này của Đảng đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; tạo nên một luồng gió mới trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đến nay, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt trên 4.060 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 4.045 tỷ đồng với trên 125.000 khách hàng còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 32,3 triệu đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ.
Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ dành một phần ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn. Từ đó, giúp NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách trung ương trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, từ khi Chỉ thị được ban hành, đến nay, nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH gần 21 tỷ đồng; trong đó, ngân sách cấp tỉnh gần 14 tỷ đồng, ngân sách các huyện, thành, thị trên 7 tỷ đồng.
Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến người dân thông tin về các chương trình tín dụng. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tổ chức họp giao ban, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân để kịp thời nắm bắt những tồn tại, hạn chế, qua đó có biện pháp tháo gỡ.
Để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiểu rõ chính sách tín dụng ưu đãi, tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất NHCSXH các huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như cải cách thủ tục hành chính để người dân vay vốn ưu đãi ngày càng đơn giản, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, đơn vị duy trì việc tổ chức giao dịch tại UBND các xã vào các ngày cố định hằng tháng để đưa đồng vốn đến tận tay người nghèo, tiết kiệm chi phí đi lại và đảm bảo an toàn cho người dân.
Bài và ảnh Tạ Văn Toàn
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bạc Liêu cần quan tâm hơn nữa tới tín dụng chính sách
- » Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » Ưu tiên tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách ở Phú Yên
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Bình
- » Hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo ở Kiên Giang
- » Tín dụng chính sách trở thành một động lực phát triển kinh tế tại Hải Dương
- » 100% hộ nghèo Hà Giang được tiếp cận tín dụng chính sách