Ưu tiên tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách ở Phú Yên

23/08/2019
(VBSP News) “Với những kết quả đạt được trong 05 năm qua, có thể khẳng định rằng Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên; được các cấp ủy, chính quyền địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và được nhân dân đồng tình ủng hộ”. Đó là khẳng định của đồng chí Trần Hữu Thế, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) được tổ chức vào chiều 23/8/2019.
Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên; Lê Thị Đức Hạnh - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH và các Lãnh đạo các Ban ngành, đoàn thể, địa phương.
Góp phần giúp trên 22.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo
Từ năm 2014 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 40. Qua 05 thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời xác định đây là công cụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Theo Bí thư Huyện ủy Tây Hòa - huyện đầu tiên của tỉnh Phú Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Hồ Thị Nguyên Thảo cho biết: “Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng nguồn vốn vay vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt làm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện.”
“Với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách bình quân trên địa bàn huyện Tây Hòa là 10%, hàng năm có trên 1.500 lượt hộ vay vốn, góp phần giúp gần 600 hộ thoát nghèo, tỷ lệ thoát nghèo trên 1,2%; thu hút trên 250 lao động có việc làm; hơn 2.200 HSSV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; hơn 2.800 công trình công trình NS&VSMTNT được xây dựng mới; gần 200 hộ vùng khó khăn được vay vốn SXKD; 10 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở, 04 hộ thu nhập thấp vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đến nay dư nợ trên địa bàn huyện gần 295 tỉ đồng, với gần 10.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Đồng thời, Tây Hòa còn là đơn vị có chất lượng tín dụng tốt nhất toàn tỉnh, với tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%”, bà Hồ Thị Nguyên Thảo chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên Đặng Thị Hồng Nga, nhấn mạnh: “Tín dụng chính sách xã hội có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhận thức được điều đó, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh Phú Yên và chính quyền địa phương tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả lồng ghép với các chương trình, đề án của hội, gắn với làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo”.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Sơn Hòa Tô Phương Bắc: “Toàn huyện có 16.576 hộ; trong đó, tỉ lệ hộ nghèo hơn 15,3%, hộ cận nghèo 10,36%, hộ đồng bào DTTS là 31,8%, có 06 xã đặc biệt khó khăn, người dân sống bằng nghề nông là chính. Do đó, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người dân trên địa bàn là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, những năm qua, dù địa phương còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Phú Yên, Huyện ủy, UBND huyện, các ban ngành, mà đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 40, hàng năm, UBND huyện đều sớm cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH cho vay trên địa bàn. Kết quả nguồn vốn ngân sách địa phương đến nay đạt hơn 2,7 tỷ đồng. Nhờ vậy, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, trên địa bàn huyện có hơn 24.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, và hơn 10% trong số này đã vượt qua ngưỡng nghèo”.
Không riêng huyện Sơn Hòa, hàng năm, UBND tỉnh và các địa phương khác đều sớm trích ngân sách ủy thác sang NHCSXH tỉnh Phú Yên cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Tính đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác hơn 70 tỷ đồng, tăng 55,4 tỷ đồng so với cuối năm 2014, gấp 3,7 lần so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40.
05 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 2%/năm; đến cuối tháng 6/2019, dư nợ đạt gần 2.800 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 88.000 hộ còn dư nợ (chiếm hơn 1/3 tổng số hộ dân toàn tỉnh). Từ năm 2014 đến nay, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã giải ngân cho hơn 195.000 lượt hộ vay vốn, góp phần giúp trên 22.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động; gần 31.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 92.000 công trình NS&VSMTNT, gần 900 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…
Tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định với những kết quả đạt được trong 05 năm qua, Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng thời gian tới.
Tiếp tục quan tâm ủy thác vốn cho NHCSXH
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt, thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đặc biệt là các chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Với ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội và những kết quả tích cực qua 05 năm thực hiện, trong những năm tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội. Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị, địa phương. Tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, sát thực nhằm giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được các mô hình SXKD hiệu quả, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững. Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban đại diện HĐQT các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình; tiếp tục ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tập trung vào các lĩnh vực như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững… Phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm; tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 65% (trên 57 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); số xã còn lại bình quân đạt trên 10/19 tiêu chí; số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2016 - 2020 là 122.500 người (bình quân mỗi năm 24.000 - 25.000 lao động).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Lê Thị Đức Hạnh cho rằng: “Chỉ thị số 40 phát huy hiệu quả đã góp phần khẳng định phương thức hoạt động đặc thù của NHCSXH là đúng đắn. Do đó, thời gian tới, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm dành nhiều nguồn vốn hơn nữa để ủy thác sang NHCSXH cho vay; rà soát, bổ sung các đối tượng đủ điều kiện vay vốn để kịp thời tiếp cận vốn phục vụ NHCSXH và NHCSXH cam kết bố trí đủ vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay…”.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các sở, ban ngành, hội đoàn thể nhận ủy thác tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bồi dưỡng tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư… gắn với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. NHCSXH tỉnh Phú Yên tích cực tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách; tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương và địa phương để đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bình xét cho vay đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn SXKD, vươn lên thoát nghèo bền vững…
Dịp này, 81 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 được UBND tỉnh và NHCSXH tuyên dương, khen thưởng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc nhận khen thưởng của UBND tỉnh Phú Yên

Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc nhận khen thưởng của UBND tỉnh Phú Yên

Lê Hảo

Các tin bài khác