Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Bình

23/08/2019
(VBSP News) Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình xuống còn 6,14%. Đó là một trong những thành quả nổi bật mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quang Bình Nguyễn Xuân Quang phát biêu tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), được tổ chức vào chiều ngày 23/8/2019.
Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Tới dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cùng đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh: Từ năm 2014 đến nay, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, NHCSXH tỉnh và của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy được hiệu quả. Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống và tác động mạnh mẽ, tích cực tới công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo, bền vững, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng XHCN. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 10,23% năm 2014 xuống còn 6,14% .
05 năm qua, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã giải ngân cho vay tới hơn 169 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp 44,9 nghìn hộ thoát nghèo vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh; trên 3,6 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 11,4 nghìn lao động; xây dựng, sửa chữa nâng cấp trên 95,4 nghìn công trình NS&VSMTNT; 238 lao động có việc làm và thu nhập ổn định ở nước ngoài; xây dựng trên 3,7 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; 88 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để xây dựng mới và sửa chữa các ngôi nhà ở khang trang…
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nhận thức rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội, do đó công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Đến nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 3.162 tỷ đồng tăng so với năm 2014 là 1.006 tỷ đồng, với gần 83 ngàn khách hàng vay, quản lý 2.292 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp các thôn, làng.
Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội” cùng với nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn huy động tại địa phương cũng rất được quan tâm. UBND tỉnh đã tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân tại địa phương và UBND, HĐND các cấp quan tâm bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến hết ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn đạt 3.123 tỷ đồng, tăng 1.053 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,2%/năm. Trong đó: nguồn vốn NHCSXH Trung ương chuyển về đạt 2.647,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84,8%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 55,1 tỷ đồng, tăng 38,5 tỷ đồng từ khi có Chỉ thị.
Để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là công cụ hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, thời gian tới, tỉnh cần tập trung cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách, nhất là vùng khó khăn, miền núi, biển đảo; bố trí tăng nguồn vốn tạo việc làm, sản xuất kinh doanh, làm nhà ở, xuất khẩu lao động; cải tiến quy trình thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát… từ đó đảm bảo tín dụng chính sách xã hội đến được với người cần, người có nhu cầu và phát huy hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành liên quan, NHCSXH tỉnh cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, sâu sát thực tiễn hoạt động. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này; huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội hoạt động ổn định, bền vững.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tặng Bằng khen cho 07 tập thể, 07 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 06 tập thể 02 cá nhân và NHCSXH trao Giấy khen cho 04 tập thể, 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40.

Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 vinh dự được UBND tỉnh, NHCSXH khen thưởng

Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 vinh dự được UBND tỉnh, NHCSXH khen thưởng

Võ Dung - TTXVN

Các tin bài khác