Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Trao đổi với phóng viên về những vấn đề liên quan, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết:
Sau khi Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), ngày 08/6/2015, Tỉnh ủy Phú Yên đã kịp thời có Văn bản 680-CV/TU yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tiếp tục quán triệt đẩy mạnh triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40, nâng cao trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng ban hành văn bản chỉ đạo đến cấp ủy, chính quyền cơ sở, trong đó cụ thể hóa một số nội dung phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương.
Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 999/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW để phân công trách nhiệm, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện của từng đơn vị.
Đến năm 2017, Tỉnh ủy ban hành Văn bản 237-CV/TU về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương nhằm nâng cao hiệu quả triển khai chỉ thị này và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đối với hoạt động tín dụng chính sách từ khi có Chỉ thị số 40?
Trả lời: Trước hết, có thể khẳng định rằng đây là chủ trương đúng đắn và nhân văn của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ trương này được đặc biệt quan tâm thực hiện, nhất là từ khi thành lập NHCSXH vào năm 2002.
Đối với tỉnh Phú Yên, từ khi có Chỉ thị số 40, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tác động rất tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai chính sách được nâng lên rõ rệt và luôn coi đây là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện; đồng thời xem tín dụng chính sách xã hội là công cụ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương.
Do đó, để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, đưa chương trình và kế hoạch hoạt động vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp để có sự chỉ đạo sâu sát hơn.
Nhờ vậy, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đặc biệt là các chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Phóng viên: Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 40 là việc ủy thác vốn ngân sách địa phương để NHCSXH cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?
Trả lời: Hàng năm, mặc dù ngân sách địa phương còn hạn chế nhưng UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đều bố trí nguồn vốn ngay từ những tháng đầu năm để ủy thác sang NHCSXH cho vay kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Sau 05 năm triển khai Chỉ thị số 40, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh Phú Yên để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách gần 55,4 tỷ đồng, gấp 3,7 lần trước khi có Chỉ thị số 40, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương lên hơn 70,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cấp tỉnh gần 44,3 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của các huyện, thị xã, thành phố.
Từ năm 2014 đến nay, với nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương ủy thác, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã giải ngân cho hơn 195.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
Qua đó góp phần giúp hơn 22.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 20.000 lượt gia đình tại các vùng khó khăn vay vốn mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản và mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; thu hút, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động; gần 31.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 92.000 công trình NS&VSMTNT, gần 900 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có hơn 15.000 hộ nghèo (giảm hơn 50% so với năm 2014), chiếm 5,8%; số hộ cận nghèo hơn 23.000 hộ, chiếm khoảng 9% tổng số hộ.
“Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đặc biệt là các chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới” |
Phóng viên: Kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, vẫn còn một số hạn chế?
Trả lời: Qua theo dõi việc thực hiện Chỉ thị số 40, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa sâu sát, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chưa thường xuyên rà soát, bình xét, bổ sung kịp thời các trường hợp hộ bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai… trong sản xuất, kinh doanh, có nguy cơ tái nghèo vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để được hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách nhằm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, công tác phối hợp lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, dạy nghề tạo việc làm ở một số nơi chưa được phối hợp đồng bộ, thường xuyên, nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao…
Phóng viên: Theo đồng chí, tỉnh cần làm gì để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới?
Trả lời: Với ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội và những kết quả tích cực qua 05 năm thực hiện, trong những năm tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội.
Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị, địa phương. Tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể, sát thực nhằm giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình; tiếp tục ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững…
Phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm; tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 65% (trên 57 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); số xã còn lại bình quân đạt trên 10/19 tiêu chí; số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2016 - 2020 là 122.500 người (bình quân mỗi năm 24.000 - 25.000 lao động).
Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp trên, NHCSXH tỉnh Phú Yên phải thường xuyên quan tâm, kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trong hệ thống; phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm trong công tác, thực sự là cầu nối để đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn đồng chí!
Lê Hảo
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bạc Liêu cần quan tâm hơn nữa tới tín dụng chính sách
- » Ưu tiên tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách ở Phú Yên
- » Hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo ở Kiên Giang
- » Tín dụng chính sách trở thành một động lực phát triển kinh tế tại Hải Dương
- » 100% hộ nghèo Hà Giang được tiếp cận tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tại Ninh Thuận
- » Sức lan tỏa của Chỉ thị “bốn mươi” trên vùng đất võ Bình Định