Nghiên cứu phân loại đối tượng, tăng cường các dịch vụ tài chính để xóa nghèo bền vững

06/02/2016
(VBSP News) Để đảm bảo thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo, trong đó với mục tiêu xóa nghèo bền vững, theo ý kiến các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các chuyên gia thì cần phải nghiên cứu phân loại và có tiêu chí riêng cho từng đối tượng, phân loại hộ nghèo và phân loại theo từng vùng để có cơ chế đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người dân chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững thông qua hệ thống chính sách, như vay vốn ưu đãi, phát triển sản xuất, phát triển bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Hàng triệu hộ nghèo trong cả nước đã được vay nguồn vốn ưu đãi để SXKD

Hàng triệu hộ nghèo trong cả nước đã được vay nguồn vốn ưu đãi để SXKD

Những kết quả về giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015

Phải khẳng định rằng, trong giai đoạn 2011 - 2015 mặc dù kinh tế đất nước còn khó khăn như GDP tăng thấp, nguồn thu ngân sách sụt giảm nhưng Đảng và Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm tới các Chương trình MTQG trong đó có chương trình giảm nghèo.

Theo báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2011 - 2015 thì tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong giai đoạn này khoảng 30.451 tỷ đồng, đạt 109% tổng kinh phí được phê duyệt của chương trình, trong đó ngân sách TW là 24.592 tỷ đồng (đạt 118%), vốn nước ngoài là 736 tỷ đồng (đạt 25%), ngân sách địa phương là 5.003 tỷ đồng (đạt 125%), nguồn vốn khác là 120 tỷ đồng.

Với mức kinh phí đầu tư trên cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể, Chương trình MTQG về giảm nghèo cũng đã đạt được những kết quả. Đó là đến nay tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 11,76% cuối năm 2011 (giảm 2,24%); 9,6% cuối năm 2012 (giảm 2,16%); 7,8% cuối năm 2013 (giảm 1,8%); 5,97% cuối năm 2014 (giảm 1,83%). Năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013; 32,59% cuối năm 2014; bình quân giảm trên 5%/năm.

Như vậy, bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020 và Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015.

Chương trình MTQG giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư 4.459 công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh tại các huyện nghèo. Xây dựng và đưa vào sử dụng trên 1.600 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong hai năm (2012 - 2013), Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng được 8.959 công trình bao gồm giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhà sinh hoạt cộng đồng… Năm 2014, đã đầu tư xây dựng 6.221 công trình, năm 2015 là 2.069 công trình, tập trung chủ yếu vào đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, công trình nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học…

Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hộ gia đình; giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 2 triệu ha cho trên 155 nghìn hộ; thực hiện đào tạo, đưa khoảng 9.500 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Thông qua thực hiện mô hình giảm nghèo, số hộ thoát nghèo đạt khoảng 15 - 20%, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng khoảng 15%; tạo việc làm cho 25% lao động nông thôn. Tổ chức tập huấn cho khoảng 140 nghìn lượt cán bộ giảm nghèo ở cơ sở.

Ông Lò Hải Ươi - ĐBQH khóa XIII tỉnh Lai Châu

Ông Lò Hải Ươi - ĐBQH khóa XIII tỉnh Lai Châu

 

Đánh giá về chương trình giảm nghèo giai đoạn vừa qua, ĐBQH tỉnh Lai Châu, Lò Hải Ươi cho rằng, 5 năm thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia nói chung và giảm nghèo nói riêng đã thực sự tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo, thất nghiệp thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước bình quân giảm 2%/năm, riêng ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm. Qua đó, trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng lên, chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo khó khăn được cải thiện đáng kể, các công trình giao thông, thủy lợi nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, xã khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nâng cao đời sống của người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

Ông Phạm Văn Cường - ĐBQH khóa XIII tỉnh Lào Cai

Ông Phạm Văn Cường - ĐBQH khóa XIII tỉnh Lào Cai

 

Nhìn ở góc độ địa phương, ĐBQH tỉnh Lào Cai, Phạm Văn Cường cho biết, mấy tỉnh nghèo nhất của miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… sau 5 năm thực hiện thấy có kết quả đáng phấn khởi. Ví dụ, Lào Cai, năm 2011 từ 43% đói nghèo nhưng đến hết năm 2015 còn khoảng 13%.

Nhìn hạn chế để điều chỉnh chính sách phù hợp

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ và cũng nhận được sự đồng tình của các ĐBQH là kết quả giảm nghèo hiện chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng tăng hơn: Khu vực Tây Nguyên, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 1,53 lần so với bình quân của cả nước, năm 2012 gấp 1,6 lần; khu vực miền núi phía Bắc, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2,34 lần so với bình quân của cả nước, năm 2012 con số này là 2,52 lần.

Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, cả nước có 29 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; 13 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 5% đến dưới 10%; 12 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 10% đến dưới 15%; 3 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20%; 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% đến dưới 25% và 1 tỉnh có tỷ lệ nghèo trên 25%. Tuy vậy, nếu chuẩn nghèo được tính đúng, tính đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân thì tỷ lệ nghèo đói của cả nước phải cao 3 lần số liệu báo cáo.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, luôn tồn tại một bộ phận người có thu nhập thấp hơn mức trung bình của dân cư đó chính là người nghèo, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để bảo đảm ổn định cuộc sống cho họ và hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền trong cả nước.

Ông Dương Hoàng Hương - ĐBQH khóa XIII tỉnh Phú Thọ

Ông Dương Hoàng Hương - ĐBQH khóa XIII tỉnh Phú Thọ

 

Theo ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Dương Hoàng Hương: Chương trình giảm nghèo mặc dù đã đạt được những kết quả quy mô lớn song nước ta vẫn phải đối mặt với một số thách thức đó là thành tựu của chương trình giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ nghèo còn chênh lệch giữa các nhóm dân tộc và vùng địa lý, tình trạng nghèo đói và mức sống thấp còn phổ biến ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các khu vực cách xa so với cả nước về giảm nghèo, mức chuẩn nghèo thấp, hộ cận nghèo tương đương với hộ nghèo, tình trạng tái nghèo nhanh do hộ thoát nghèo chưa bền vững. Hiện có 181 chính sách giảm nghèo dẫn đến trùng lặp, chồng chéo, hiệu quả thấp. Chương trình 135 đã trải qua 3 giai đoạn, chương trình 30a đã qua 2 giai đoạn nhưng tỷ lệ hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS vẫn còn chiếm tới 47% trong tổng số hộ nghèo của toàn quốc, đây là một thách thức.

Mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020 là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1,3 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.

Bà Đinh Thị Phương Lan - ĐBQH khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi

Bà Đinh Thị Phương Lan - ĐBQH khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi

 

ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, Đinh Thị Phương Lan, đề nghị tiếp tục vận hành đồng bộ hiệu quả các loại thị trường trong đó có thị trường tài chính, đặc biệt là tài chính nông thôn. Theo kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia đang phát triển, để phát triển thị trường tài chính nông thôn cần tăng cơ hội tiếp cận, tái tạo các dịch vụ tài chính thông qua công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán thẻ thông qua ngân hàng.

Ông Hoàng Việt Phương - ĐBQH khóa XIII tỉnh Tuyên Quang

Ông Hoàng Việt Phương - ĐBQH khóa XIII tỉnh Tuyên Quang

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Hoàng Việt Phương cho rằng, mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cần thay đổi về cơ chế chính sách mạnh mẽ để chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ người dân chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững thông qua hệ thống chính sách, như vay vốn ưu đãi, phát triển sản xuất, phát triển bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

“Về chương trình MTQG giảm nghèo cần phải nghiên cứu phân loại và có tiêu chí riêng cho từng đối tượng, phân loại hộ nghèo và phân loại theo từng vùng để có cơ chế đầu tư phù hợp. Cần hướng tới mục tiêu là nâng cao trình độ dân trí cho người nghèo hay chính sách giảm nghèo cũng phải hướng tới sự nỗ lực của cá nhân hộ nghèo và vai trò của các doanh nghiệp để tập trung đầu tư cho người nghèo. Tập trung cho huyện nghèo, xã nghèo, những nơi nghèo nhất chứ không theo cơ chế bình quân và thay đổi cơ chế hỗ trợ, tức là nguồn lực của ngân sách bố trí phải cân đối với từng mục tiêu, từng chương trình hay là tính toán lại các danh mục đầu tư…”. 

(Trích phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII)

 

 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020:

- Phạm vi thực hiện: Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Đối tượng thụ hưởng: Người/hộ nghèo, người/hộ cận nghèo, người/hộ mới thoát nghèo, người/hộ DTTS và người dân, cộng đồng trên địa bàn thực hiện chương trình.

- Đối tượng thực hiện: Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao kinh phí để thực hiện các dự án, hoạt động của chương trình. Tổng mức vốn, cơ cấu nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn thực hiện chương trình: 48.261 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách TW: 41.449 tỷ đồng (vốn đầu tư: 29.698 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 11.751 tỷ đồng). Ngân sách địa phương: 4.712 tỷ đồng (vốn đầu tư: 3.541 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 1.171 tỷ đồng). Vốn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp, quốc tế: 2.100 tỷ đồng.

 

 

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác