Hiệu quả nguồn vốn ủy thác địa phương ở Kinh Môn

14/08/2021
(VBSP News) Kinh Môn là đơn vị có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch giao tăng trưởng nguồn vốn ủy thác tại địa phương cao nhất tỉnh Hải Dương, góp phần gia tăng tổng nguồn vốn cho chi nhánh NHCSXH tỉnh.
hai duong

Phòng giao dịch NHCSXH TX Kinh Môn giải ngân vốn ưu đãi cho người dân trong mùa dịch COVID-19

Vươn lên nhờ vốn chính sách

Đến thăm vườn cam của gia đình ông Trần Văn Thăng ở khu dân cư Vũ Xá, phường Thất Hùng, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi quy mô cũng như sự chuyên nghiệp trong trồng trọt của gia đình ông. Từ vài sào cam ban đầu, đến nay, khu vườn cam của ông Thăng đã được mở rộng lên hơn 1ha, trở thành một trong những hộ có diện tích trồng cam lớn của địa phương. Những cây cam Vinh, cam đường Canh, cây nào cây nấy đều trĩu quả, chờ ngày thu hoạch.

Ông Thăng chia sẻ có được “cơ ngơi” như ngày hôm nay phần lớn là nhờ 65 triệu đồng nguồn vốn vay chính sách. “Khi đó, vợ chồng tôi đã dùng toàn bộ số tiền vay để mua cây giống. Sau 1 năm, những cây này đã cho trái ngọt, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình”, ông Thăng nói. Cũng từ đó, khu vườn cam của gia đình ông từng bước được đầu tư mở rộng với hệ thống tưới nước tự động cùng một khu trồng cây giống. Qua đó đã đưa gia đình ông thoát nghèo. 

Sau 3 năm thực hiện mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt kết hợp với chăn nuôi ở khu vực bãi Giữa, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, đến nay, tổng diện tích trang trại của gia đình anh Lê Văn Phương đã lên đến 2,7ha. Thông qua Phòng giao dịch NHCSXH TX Kinh Môn, gia đình anh đã vay 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong khu trang trại, khoảng 2.000m² được gia đình anh xây dựng làm khu nuôi đà điểu. Phần còn lại là khu vườn trồng thanh long ruột đỏ, bưởi, cam và một khu trồng thử nghiệm thanh long vỏ vàng. 

Năm 2020, gia đình anh Phương thu lãi từ chăn nuôi và trồng trọt hàng trăm triệu đồng. Dự kiến năm nay, gia đình anh sẽ bán hàng chục tấn thanh long. Đây là minh chứng cho hiệu quả nguồn vốn chính sách đối với những hộ nông dân như anh Phương, trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn ủy thác địa phương. “Nếu không có nguồn vốn vay chính sách, gia đình tôi khó có thể nghĩ đến cuộc sống no đủ ngày hôm nay”, anh Phương tâm sự.

Tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi

Kinh Môn hiện là địa phương thực hiện kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn ủy thác tại địa phương cao nhất tỉnh. Ngay từ đầu năm 2021, thị xã đã chuyển 800 triệu đồng nhằm bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn. Qua đó, nâng tổng nguồn vốn ủy thác tại địa phương lên 3,3 tỉ đồng, tạo thêm điều kiện giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần đưa Kinh Môn sớm đạt các tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025.

Xây dựng nguồn vốn ngân sách địa phương theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kinh Môn đã đưa nội dung này vào Nghị quyết các kỳ họp của cấp ủy đảng, chính quyền ngay khi tổng kết các hoạt động năm và triển khai nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Ông Bùi Xuân Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Kinh Môn cho biết, nguồn vốn ủy thác tại địa phương là một trong những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, sẽ cân đối để dành thêm nguồn lực, bổ sung thêm nguồn vốn cho NHCSXH, tạo thêm điều kiện giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên.

Ngoài dành nguồn kinh phí từ ngân sách, Kinh Môn đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn kinh phí này đối với hoạt động tín dụng chính sách. Vận động, gửi thư ngỏ tới các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tích cực tham gia ủng hộ xây dựng nguồn vốn.

Tuy nhiên, trong các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, chương trình tín dụng NS&VSMTNT đang bị thu hẹp. Ngoài 9 xã trên địa bàn vẫn tiếp tục được thực hiện, người dân của 14 địa phương còn lại trong thị xã sẽ không được tiếp cận nguồn vốn này do chương trình chỉ áp dụng cho các xã nông thôn, còn các xã đã lên phường không được áp dụng. Dư nợ của chương trình này đạt gần 87 tỉ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ. Qua đó, cho thấy nhu cầu vay vốn của người dân đối với chương trình này tương đối lớn. Thời gian tới, các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng chương trình cho vay NS&VSMTNT nhằm mở rộng đối tượng vay vốn đối với các phường, thị trấn để bà con nhân dân có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi.  

Hà Kiên

Các tin bài khác