Giảm nghèo ở Mường Khương (Bài 2: Trao cần câu cho đồng bào “5 nhất”)

15/11/2023
(VBSP News) 5 điểm chung của những xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai là: Có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Bài toán đặt ra với cấp ủy, chính quyền huyện Mường Khương là làm thế nào để hóa giải “5 cái nhất”, giúp bà con thoát nghèo? Thoát nghèo bằng cây, con gì? Và sử dụng chiếc cần câu thế nào cho phù hợp…?
Ta ngai Cho 2

Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Tà Ngài Chồ

Bắt đầu từ nhận thức
Trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, huyện Mường Khương chiếm tới 5 xã gồm: Tả Ngài Chồ, Dìn Chin, Tả Thàng, La Pan Tẩn và Lùng Khấu Nhin. Đây là những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, thu nhập bình quân của 5 xã này chỉ đạt chưa đầy 20 triệu đồng/người/năm. Ông Tô Việt Thành - Phó chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện khẳng định: “Muốn công phá thành công khu vực lõi nghèo này, chắc chắn chúng tôi phải khơi dậy bằng được ý chí thoát nghèo, làm giàu của bà con”.
Để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của 5 xã nghèo bình quân trên 8%/năm theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ), huyện Mường Khương đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, Ban ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, chương trình giảm nghèo, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều giải pháp, cơ chế chính sách. Trong đó, tín dụng chính sách được coi là công cụ đặc biệt quan trọng để cấp ủy, chính quyền huyện Mường Khương thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã đặt ra. Đây được coi là “cú huých” tấn công đói nghèo và nâng cao nhận thức về giảm nghèo trên địa bàn.
Trên thực tế, những năm qua, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện quan tâm triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép tuyên truyền miệng qua các buổi sinh hoạt, họp thôn, bản, tổ dân phố và cộng đồng dân cư… về các chủ trương, chính sách, cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo ở địa phương. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và chủ động cải thiện cuộc sống của mình với sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức và cộng đồng. Đã có hàng trăm chuyên mục phát thanh và truyền hình với hàng nghìn tin, bài, phóng sự về giảm nghèo, gương làm kinh tế giỏi; kiến thức kinh nghiệm thoát nghèo của các địa phương trong cả nước… phát trên sóng phát thanh - truyền hình của tỉnh, huyện và các trạm truyền thanh xã, thị trấn…
Song song với việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, huyện Mường Khương tập trung đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho bà con. Tận dụng các chương trình, dự án của tỉnh và nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm của tỉnh sang NHCSXH, huyện Mường Khương đã và đang giúp bà con từng bước thay đổi cuộc sống.
Cây chè - “chiếc cần” hiệu quả
Trong các ngành hàng chủ lực huyện Mường Khương đang tập trung phát triển để giúp người dân thoát nghèo thì mô hình trồng chè được cấp ủy, chính quyền vào cuộc, nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ. Cây chè có nhiều lợi thế để giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Trước đây, đời sống kinh tế các hộ gia đình ở xã Thanh Bình còn gặp khá nhiều khó khăn bởi nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào ít nương rẫy trồng ngô, khoai, sắn. Nhưng từ năm 2015, dưới sự tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, đồng thời, nhận thấy người dân các xã lân cận như Bản Sen, Lùng Vai có thu nhập cao từ cây chè nên các gia đình tại xã Thanh Bình đã chuyển đổi những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng chè. Đến nay, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có của ăn của để. Đơn cử như gia đình chị Giàng Thị Súa có hơn 1ha chè đã cho thu hoạch; trung bình đem lại thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/năm. Hay gia đình của anh Lý seo Dìn, mỗi năm thu hoạch hơn 100 triệu đồng nhờ vào cây chè… Cây chè đã giúp gia đình anh Dìn, chị Súa thoát nghèo và trở thành hộ khá giả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương Tô Việt Thành chia sẻ: Cây chè phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện nên cho chất lượng cao, khác biệt với các vùng chè khác, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thu thuận lợi. Cây chè thích ứng tốt với xu thế biến đổi khi hậu, ít bị thiệt hại do nắng hạn, dông lốc. Trong thời gian tới, huyện Mường Khương sẽ tập trung chuyển đổi nhiều loại cây trồng; trong đó, ưu tiên cho cây chè bởi đây là cây trồng không tốn quá nhiều chi phái đầu tư (từ trồng đến khi cây cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/ha), trồng 1 lần cho thu hoạch 70 - 80 năm.
Cùng với việc mở rộng diện tích trồng chè, các cơ sở chế biến chè, liên kết tiêu thụ sản phẩm chè cũng phát triển. Do đó, người trồng chè yên tâm sản xuất, không phải lo đầu ra như các nông sản khác. “Cây chè nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình có thể cho năng suất 40 tấn/ha. Giá trị bình quân đạt 100 triệu/ha, thâm canh tốt, đúng kỹ thuật có thể đạt 250 triệu đồng/ha. Chính vì vậy, cây chè có thể coi là “chìa khóa” để giúp người dân có nguồn thu nhập cao, ổn định, chia tay với đói nghèo”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tô Việt Thành cho biết thêm.
Điều đáng mừng, cùng với việc chọn cây, con chủ lực, Mường Khương cũng nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh và các Sở, ban ngành; thu hút các nhà đầu tư về đóng đô trên địa bàn. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 7 nhà máy chế biến chè và một nhà máy chế biến hoa quả. Sự đồng bộ này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà cho thấy hướng đi bền vững, chuyên nghiệp trong phát triển kinh tế của huyện.

Bình Nhi

Các tin bài khác