Giảm nghèo ở Mường Khương (Bài 3: Mường Khương ngày mới)

15/11/2023
(VBSP News) Những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Mường Khương (Lào Cai), nhất là nguồn vốn tín dụng chính sách đã bắt đầu đơm hoa, kết trái. Cuộc sống của đồng bào đang đổi thay từng ngày. Không còn cái đói bủa vây, cuộc sống chưa đạt độ sung túc như mong muốn nhưng nụ cười hạnh phúc đã bắt nở trên môi những người dân miền biên viễn xa xôi…
Ta ngai Cho 1

Vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con Mường Khương phát triển kinh tế

Đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, Đảng ủy huyện Mường Khương đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chia sẻ về những nỗ lực của địa phương, Giám đốc NHCSXH huyện Mường Khương Nguyễn Lương Sơn cho biết: Thời gian qua, Mường Khương đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực của địa phương trong xóa đói giảm nghèo. Năm 2022, toàn huyện đã có trên 2.200 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi mà hàng nghìn hộ đã vươn lên thoát nghèo và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện nay, Mường Khương đã có gần 100ha cây hồng giòn và 20ha đã bước đầu cho thu hoạch. Mô hình xanh vườn, ao, chuồng của gia đình anh Sin Soàn Hoàng cho thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm từ nuôi lợn, trồng quýt và nuôi cá. Đặc biệt, Mường Khương còn có các mô hình trồng chè, chuối, dứa cũng là những cây trồng chủ lực đã và đang giúp người dân Mường Khương thoát nghèo bền vững, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Nhờ đó, năm 2022 số hộ nghèo của huyện Mường Khương đã giảm 7,7% so với năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tô Việt Thành nhấn mạnh: Hiện tại, huyện đã phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Vùng chè 4.915ha, vùng dứa 1.638ha, vùng chuối 463ha, vùng quýt 815ha. Các vùng sản xuất hàng hóa này đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, bền vững cho nhân dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đặc biệt, nhờ chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô, khoai, sắn sang trồng chè, quýt, chuối, mà mặt bằng của huyện biên giới 30a Mường Khương đã có nhiều thay đổi. Toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 80% các con đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa…; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, Mường Khương đã giảm được 3% số hộ nghèo. Phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 32%.
Luôn có NHCSXH đồng hành
Nhìn lại công cuộc giảm nghèo ở huyện Mường Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tô Việt Thành khẳng định: NHCSXH luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi. 21 năm qua, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các cán bộ tín dụng NHCSXH đã giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm. Dù hiện nay, nghèo khó vẫn hiện hữu ở các bản làng xa xôi, nhưng mức độ đã khác xưa “một trời, một vực.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai Đỗ Ngọc Long chia sẻ: “Tất cả các cán bộ trong chi nhánh đều thấu hiểu những vất vả của đồng bào, nhất là những vùng sâu, vùng xa. Bởi thế, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khi đồng bào cần là NHCSXH có mặt. Đặc biệt, với sự quan tâm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang chi nhánh đã khiến chúng tôi càng phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong hành trình giảm nghèo với Lào Cai. Đến nay, nguồn vốn ủy thác đã đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,6%/tổng nguồn vốn của NHCSXH; tăng hơn 31 nghìn tỷ đồng so trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW”.
Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đưa tổng nguồn vốn thực hiện của chi nhánh đến 30/9/2023 đạt 333 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 310 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần cùng địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai Đỗ Ngọc Long cho biết thêm: “Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh nhưng nhiệm vụ của NHCSXH hiện tại cũng như trong tương lai không vì thế mà vơi nhẹ. Những rủi ro cả từ khách quan và chủ quan trong phát triển kinh tế đang trở thành thách thức cho công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau, luôn là người bạn tin cậy của bà con; đồng hành mọi lúc, mọi nơi khi đồng bào cần; tận tâm và thấu hiểu để phục vụ đồng bào một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất”.
Một tương lai rộng mở cho huyện Mường Khương đang hiện hữu. Trên chặng đường ấy, chắc chắn không chỉ cần những nỗ lực của NHCSXH, mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Sự thống nhất trong hành động cấp ủy, chính quyền sẽ giúp những khó khăn của đồng bào được giải quyết kịp thời, thấu đáo. Đồng thời, tạo điều kiện cho NHCSXH phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần đưa các chủ trương, chính sách  của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống.

Bình Nhi

Các tin bài khác