Chỗ dựa vững chắc của nông dân nghèo
Phúc Trạch là xã vùng sâu, vùng xa, nằm trong diện 135 của huyện Bố Trạch. Gần 100% người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đất nhiều nhưng khô cằn, toàn xã có 688ha đất trồng cây lương thực, nhưng chỉ có 68ha đất lúa, còn lại trồng màu (ngô, sắn) và cấy lúa 1 vụ bấp bênh, vì phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chăn nuôi cũng kém phát triển. Đời sống nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Ai cũng muốn thoát nghèo nhưng ngặt nỗi cái gì cũng thiếu, vì vậy bà con chỉ biết dựa vào rừng để mưu sinh.
Năm 2012, anh Lê Văn Hiệu được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Mới ngoài 30 tuổi, năng động và tháo vát, anh quyết tâm cùng bà con nông dân trong xã tìm cách thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương của mình. Việc làm đầu tiên của anh sau khi nhận chức là dành thời gian đi sang các xã bạn, nơi có những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để tìm hiểu, học tập về áp dụng cho bà con. Xác định chăn nuôi là hướng đột phá quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, Hội thí điểm các mô hình nuôi gà ri thả vườn với số lượng từ ít đến nhiều, thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ được chăng hay chớ vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Đến nay, cả xã có hơn 50 hộ nuôi gà ri với số lượng lớn lên tới hàng nghìn con/hộ, mang lại thu nhập tới cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Hội Nông dân xã đã nhận ủy thác hơn 4,8 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để cho hội viên vay, SXKD. Từ đồng vốn này, anh Hiệu đã dành nhiều thời gian để đến từng hội viên trao đổi cách làm ăn, lắng nghe ý kiến và tư vấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho phù hợp, tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả, thất thoát nguồn vốn.
Là xã miền núi, tỷ lệ hộ nghèo của Phúc Trạch hiện vẫn ở mức cao. Đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, Hội Nông dân xã đã thực hiện tốt mô hình mỗi hội viên khá giúp đỡ 5 hội viên nghèo vươn lên. Để làm tốt điều này, anh Hiệu đã kêu gọi các hộ nông dân khá, các hộ làm trang trại cùng tham gia. Hội Nông dân cũng “xắn tay” vào huy động, phân phối phù hợp các nguồn vốn vay ưu đãi cho bà con và mở lớp tập huấn cho bà con.
Nhờ có nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, làm kinh tế trang trại, kinh doanh dịch vụ…Cũng từ đây xã Phúc Trạch xuất hiện nhiều mô hình nông dân SXKD giỏi vượt khó làm giàu. Ông Nguyễn Sỹ Lâm ở thôn Phúc Đồng 3 là một điển hình nông dân chăn nuôi giỏi ở xã Phúc Trạch. Những năm qua, cùng với Hội Nông dân xã, ông Lâm đã giúp hàng chục hộ thoát nghèo bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống… Hiện tại ông Lâm đang tiếp tục hỗ trợ 5 hộ nghèo bằng những việc làm thiết thực cụ thể trên.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyện ở thôn Vực Chèo, từ một hộ nghèo, được Hội Nông dân bình xét, vay 50 triệu đồng của NHCSXH về để trồng cây, chăn nuôi. Hai vợ chồng bà đã xây chuồng trại chăn nuôi heo, trồng 400 gốc chuối, 300 gốc tiêu. Đến nay gia đình bà đã thoát nghèo, nuôi con ăn học, đi lao động nước ngoài.Bà Nguyệt cũng đang giúp đỡ 5 hộ nghèo khác vươn lên bằng những kinh nghiệm của mình.
Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Vốn vay được quản lý hiệu quả
- » Nơi gửi trọn niềm tin
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Đồng Khởi
- » Tín hiệu vui của hộ cận nghèo
- » Niềm vui ở Hợp tác xã Thanh Thanh
- » Mùa xuân bên những cánh rừng xanh
- » Niềm tin thoát nghèo
- » Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội qua NHCSXH: KỲ VỌNG TRONG XUÂN MỚI