Chìa khoá giảm nghèo bền vững

05/08/2021
(VBSP News) Giai đoạn 2015 - 2020, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định tăng trưởng bình quân 10,1% năm, các chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu. Hơn thế, những đột phá mới về chất trong cung ứng tín dụng từ tạo việc làm đến cải thiện chất lượng sống phủ tới 100% các đối tượng chính sách đã đưa tín dụng chính sách trở thành một kênh chủ lực, “chìa khoá” giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giúp các địa phương xây dựng nền tảng kinh tế, giảm nghèo phát triển bền vững.
nam dinh

Nhiều hộ dân tỉnh Nam Định vay vốn chính sách để phát triển mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 33.864 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%; 36.474 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,13%. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 9.443 hộ nghèo (giảm 24.421 hộ), chiếm tỷ lệ 1,53% (giảm 4,17%); hộ cận nghèo 37.609 hộ (tăng 1.135 hộ), chiếm tỷ lệ 6,09% (giảm 0,04%). Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi của chi nhánh NHCSXH tỉnh đã được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2015-2020, đã có 31.795 hộ thoát nghèo và 72.470 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ tái nghèo thấp; chỉ có 3.639 hộ tái nghèo và 6.459 hộ tái cận nghèo. Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, số hộ ở nông thôn có thu nhập ngoài nông nghiệp tăng lên trên 80%. Hết năm 2020, tỉnh còn 5.337 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,86%).

6 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định đạt hơn 3.432 tỷ đồng, tăng 218,5 tỷ đồng (+6,8%) so với đầu năm. Ngoài nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn uỷ thác đầu tư từ ngân sách địa phương đã có chuyển biến đạt 37,5 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch tăng trưởng năm. Doanh số cho vay đạt 681,7 tỷ đồng với 19.310 lượt khách hàng được vay vốn.

Ngân hàng đã chủ động thực hiện nâng mức vay phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của từng đối tượng thụ hưởng, đã giải ngân mức vay trên 50 triệu đồng cho 2.641 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động với số tiền 216,6 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 30/6/2021 đạt 3.372,8 tỷ đồng với 100.134 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình: nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ mới thoát nghèo, nhà ở xã hội, giải quyết việc làm, hộ cận nghèo…

Toàn tỉnh có 149 hộ nghèo, 3.546 hộ cận nghèo, 2.445 hộ mới thoát nghèo và 13.170 đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách. Qua đó, đã giúp cho 1.066 hộ thoát nghèo, 2.124 hộ thoát cận nghèo, tạo việc làm cho 1.119 lao động, 1.979 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, xây dựng dựng 20.036 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; 51 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. 

Có thể nói, các chương trình tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định luôn đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu thiết yếu của các đối tượng chính sách giống như từng nấc thang nâng đỡ người nghèo từng bước chắc chắn thoát nghèo bền vững, mang đến cho họ sự tự tin tạo lập sinh kế, vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, tạo thu nhập ổn định, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội của địa phương. 10 chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh phủ đều các đối tượng yếu thế của xã hội trong hành trình đồng hành “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách chiến thắng nghịch cảnh.

Cùng với đó, các chính sách, cơ chế nâng mức vay theo từng thời kỳ suốt thời gian qua để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển với nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân. Nhờ đó, không chỉ giúp giảm mà còn thoát nghèo bền vững, với mục tiêu cốt lõi là tăng thu nhập. Thu nhập tăng và duy trì ổn định thường xuyên chính là tiền đề để hộ nghèo tăng tiết kiệm, tăng khả năng chống chọi trước những biến cố, rủi ro trong cuộc sống.

Ngoài ra, thu nhập được cải thiện phần nào giúp người nghèo có nguồn lực đầu tư cho con cái học tập, chăm sóc sức khỏe, là điều kiện cơ bản cho con em các hộ nghèo vươn lên trong tương lai. Khi thu nhập được cải thiện, người nghèo sẽ có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ thiết yếu khác mà vốn dĩ từ trước họ bị hạn chế như giáo dục, y tế. Thậm chí còn được lựa chọn những nghề nghiệp phù hợp hơn với bản thân sau khi được trang bị kiến thức và kỹ năng lao động. Rất nhiều hộ nghèo đã từng bước đổi đời vươn lên ổn định cuộc sống nhờ được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH.

Như gia đình chị Nguyễn Thị Lanxóm 22, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu đã vay vốn NHCSXH một số chương trình tín dụng. Hay chị Trần Thị Nhường ở xóm 6, xã Giao Lạc, huyện Giao Thuỷ đã được vay vốn hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, từ đó kinh tế gia đình đã từng bước ổn định và phát triển nhờ mô hình nuôi trâu sinh sản. Chị Vũ Thị Tuyết ở xóm 15, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực đã vươn lên thoát nghèo với nghề đúc đồng mỹ nghệ được hỗ trợ vốn từ NHCSXH huyện; cả 3 cháu trong gia đình anh Phạm Văn Quyết ở xóm 8, xã Nam Tiến đều đã được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có việc làm ổn định từ nguồn vốn cho vay HSSV.

Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm xuống còn dưới 0,15% (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025), tỉnh Nam Định xác định tín dụng chính sách tiếp tục sẽ là trụ cột quan trọng trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chi nhánh tiếp tục là nòng cốt chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Để làm được điều đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ vốn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, từ chất lượng khâu cho vay đến hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch xã, tập trung đôn đốc thu hồi, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ xa, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại. Theo dõi sát diễn biến của dịch COVID-19, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt kịp thời những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch để triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phù hợp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuyên truyền rộng rãi và triển khai hiệu quả chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Bài và ảnh Đức Toàn

Các tin bài khác