Chị Tổ trưởng quê Kinh Bắc quản lý tốt vốn chính sách

22/06/2018
(VBSP News) Giám đốc NHCSXH huyện Lương Tài (Bắc Ninh), Nguyễn Huy Bình cho biết, đến nay đơn vị đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện củng cố kiện toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn với 272 tổ tại khắp thôn, xóm, khu phố ở 14 xã, thị trấn, trong đó 268 tổ đạt chất lượng hoạt động loại tốt và 4 tổ khá, không có tổ trung bình, yếu kém, đặc biệt có 100% Tổ trưởng được bầu chọn theo quy định, hướng dẫn của NHCSXH đảm bảo đủ năng lực, nhiệt tình quản lý về kinh tế, tín dụng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước
Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, hộ gia đình anh Hà Trọng Diên vay 50 triệu đồng về nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, hộ gia đình anh Hà Trọng Diên vay 50 triệu đồng về nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao

Giám đốc Nguyễn Huy Bình trực tiếp dẫn chúng tôi về xã Bình Định nằm ở cuối huyện để tìm hiểu về Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô Phần do chị Nguyễn Thị Hòa, làm Tổ trưởng. Qua gặp gỡ tiếp xúc, được biết cách đây 8 năm, khi đang đảm đương vai trò chi hội trưởng phụ nữ của thôn, chị Hòa được bà con tín nhiệm bầu kiêm nhiệm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhận thêm nhiệm vụ, chị xác định đây là công việc quan trọng, thiết thực ở nông thôn, ví như “cầu dẫn” vốn chính sách của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng. Từ nhận thức đúng đắn đó, chị Hòa luôn tham gia đầy đủ các cuộc hợp giao ban, các lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng, về kiến thức, kỹ thuật SXKD do NHCSXH và đoàn thể tổ chức để hiểu rõ, nắm bắt được mọi thủ tục, cách thức vay vốn, kịp thời hướng dẫn các thành viên trong tổ vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay kết hợp với đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Thực tế chứng minh từ khi chị Hòa làm Tổ trưởng thì Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô Phần đã trở thành nơi chăm lo bảo vệ quyền lợi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời còn giúp đỡ bà con gắn kết chặt chẽ hơn trong tình làng, nghĩa xóm để có điều kiện thuận lợi tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ tới nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Thông qua đó, tổ còn giúp người dân nơi thuần nông xóa đi những mặc cảm, mạnh dạn vay vốn NHCSXH đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề thủ công và tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Gần 10 năm qua, chị Tổ trưởng Nguyễn Thị Hòa đã tiến hành phân công trách nhiệm cụ thể trong Ban quản lý tổ luôn tổ chức cho tổ viên tham dự sinh hoạt định kỳ, kể cả họp đột xuất với nội dung và yêu cầu cụ thể theo cam kết hợp đồng ủy thác vay vốn chính sách. Hình thức sinh hoạt của tổ cũng được đổi mới không chỉ đơn thuần trao đổi những thông tin liên quan đến việc vay vốn, sử dụng vốn mà còn tổ chức sinh hoạt văn nghệ, đọc thơ, ca, hát quan họ tự biên tự diễn kết hợp với phổ biến tuyên truyền tín dụng chính sách với chương trình giảm nghèo bền vững, các buổi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Ngô Phần diễn ra sinh động, được chị em phụ nữ tham dự đầy đủ.

Cùng với đó, chị Tổ trưởng Hòa rất quan tâm đến việc bình xét công khai, dân chủ, cho đối tượng vay vốn chính sách. Hiện tượng nể nang, xuề xòa, thiên vị dẫn đến sự thiếu công bằng, mất đoàn kết trong bình xét vay vốn chính sách ở thôn xóm bấy lâu nay được chấm dứt. Chị Hoà còn thường xuyên ghé thăm từng nhà tổ viên vừa để tìm hiểu tâm tư hoàn cảnh, nắm bắt chính xác tình hình sử dụng vốn vay của họ, vừa khéo léo nhắc nhở đôn đốc mọi người chấp hành đúng quy định trong việc trả nợ, nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm cho ngân hàng. Chính vì vậy, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô Phần hiện nay có 48 tổ viên tham gia sinh hoạt đều đặn, đạt dư nợ 1,2 tỷ đồng với NHCSXH huyện Lương Tài và không có trường hợp tổ viên nào để nợ quá hạn phát sinh, lãi tồn đọng. Toàn tổ đã tự nguyện gửi tiền tiết kiệm với số dư trên 40 triệu đồng.

Ở Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô Phần đã có khá nhiều tổ viên được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng chính sách, làm ăn phát đạt, vươn lên thoát cản nghèo túng, trả được nợ, lãi đúng kỳ hạn. Một số tổ viên còn lồng ghép việc đầu tư vốn vay với ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn xây dựng phương án trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, đạt danh hiệu thi đua phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Điển hình là bà Phạm Thị Tròn đã xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng rau sạch trong nhà lưới với 50 triệu đồng vay từ chương trình hộ cận nghèo, ngày nay đã có một cơ ngơi bao gồm trại gà thịt 1.000 con, 7 sào nuôi cá nước ngọt, cùng 2 nhà lưới 8 sào rau xanh, sạch tạo nguồn thu nhập ngót 200 triệu đồng/năm. “Số tiền lớn này cả trong mơ tôi cũng không có thì nay đã thành hiện thực. Kể cả ngôi nhà 3 gian mới xây của gia đình cũng là nhờ nguồn vốn chính sách cùng sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, hội, đoàn thể và chị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô Phần”, bà Tròn chia sẻ.

Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngô Phần và sự tận tình công tác của chị Nguyễn Thị Hòa đã góp phần thiết thực vào kết quả giảm nghèo của vùng quê thuần nông rõ rệt, từ 14 hộ nghèo năm 2011 hiện chỉ còn 3 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, 100% hộ dân nơi đây có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi, khôi phục ngành nghề truyền thống, chăm lo việc học hành cho con em, xây dựng công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn. Bản thân chị Tổ trưởng Nguyễn Thị Hòa được NHCSXH tỉnh, huyện biểu dương, khen thưởng về thành tích làm nhiệm vụ ủy thác, chuyển tải, quản lý nguồn vốn chính sách trong giai đoạn 2010 - 2017.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Các tin bài khác