Vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi

12/05/2021
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có điều kiện xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên khá giàu.
bgiang

Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từng bước vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn chính sách

Hộ nghèo có vốn làm ăn
Gia đình anh Hoàng Văn Cạnh là hộ nghèo ở xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn. Trước đây, vợ chồng anh không có việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu trông vào vườn vải thiều, năm được, năm mất mùa. Năm 2014, thông qua Hội Nông dân xã, anh Cạnh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH để đầu tư chăm sóc vải thiều và cải tạo vườn tạp. Được chăm bón đúng cách, hơn 200 cây vải thiều của gia đình anh năm nào cũng được mùa, thu từ 5 - 7 tấn quả/vụ và cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn thu này, đến nay, gia đình anh Cạnh không chỉ trả hết nợ, thoát hộ nghèo mà còn xây được căn nhà khang trang.
Tại xã Hữu Sản, huyện Sơn Động có 97% dân số là người DTTS, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cũng như vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia vay vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, kinh tế của người dân có bước chuyển đáng kể.
Chủ tịch UBND xã Hữu Sản Bế Văn Kính cho biết: Toàn xã có hơn 600 hộ thì hơn 400 hộ vay vốn NHCSXH huyện với tổng dư nợ hơn 21 tỷ đồng. Các đối tượng vay chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình, cá nhân SXKD, giải quyết việc làm và đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 40,6% năm 2019 xuống 26% năm 2020. Tới đây, xã tiếp tục rà soát hộ nghèo, phối hợp với ngân hàng đưa ra phương án hỗ trợ vốn vay phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình sao cho hiệu quả.
Đưa vốn vay ưu đãi đến tận tay hộ nghèo
Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 9 huyện và 1 thành phố; trong đó có 6 huyện miền núi, 1 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Toàn tỉnh có 209 xã, phường, thị trấn nhưng có đến 130 xã thuộc đơn vị hành chính vùng khó khăn. Hộ đồng bào DTTS chiếm 13,5% tổng dân số.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các nội dung ủy thác, cùng trách nhiệm triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng trên địa bàn. Đến nay, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đang quản lý 3.173 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 110.601 hộ còn dư nợ, dư nợ uỷ thác đạt 4.549 tỷ đồng với 19 chương tín dụng chính sách xã hội đang triển khai tại 100% các xã, phường, thị trấn.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Bắc Giang tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cho người dân. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nhiều năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Nguyễn Thị Nhuận ở thôn Nam Hưng, xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam đã trực tiếp tuyên truyền các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH, giúp các hộ sử dụng hiệu quả vốn vay. Hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị làm Tổ trưởng có 14 thành viên tham gia, dư nợ hơn 482 triệu đồng. Từ đồng vốn này, các hộ đã đầu tư chăn nuôi bò, kinh doanh, xây dựng công trình nước sạch để ổn định cuộc sống và tăng thu nhập. Hàng tháng, chị Nhuận nắm tình hình sử dụng vốn, thu lãi đầy đủ, nộp đúng hạn tại điểm cố định ở UBND xã. Nhiều năm liền, tổ không có trường hợp nợ quá hạn hay chậm nộp tiền lãi. Để Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, phải nắm vững cách quản lý nguồn vốn chính sách, hướng dẫn các thành viên thủ tục vay một cách thuận tiện, đúng quy định và sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh Thu Hà

Các tin bài khác