Đổi thay ở vùng cao Bắc Kạn
Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần
Một trong những chương trình có tác động trực tiếp, hiệu quả rõ rệt là việc cho các hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng chính sách của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.Từ nguồn vốn chính sách, 26 hộ nghèo ở xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông đã phát triển nghề chăn nuôi bò sinh sản, trâu kéo hàng. Đến nay, bà con nơi đây đã đưa tổng đàn gia súc lên trên 150 con, tạo điều kiện cho 12 hộ thoát nghèo, 7 hộ từ diện nghèo lên cận nghèo.
Tiêu biểu có ông Đính Quang Nú, dân tộc Tày ở thôn Choóc Vẻn đã vay NHCSXH 37 triệu đồng hộ nghèo năm 2016 đầu tư làm chuồng trại kiên cố nuôi bò vỗ béo và chăm sóc đàn gà đồi. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, gia đình ông Nú đã thoát cảnh nghèo túng, trả đủ hạn nợ vay cho ngân hàng.
Cũng là chuyện vay vốn chính sách thoát nghèo, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao quanh khu vực hồ Ba Bể làm ra nhiều nông sản hàng hóa đạt giá trị kinh tế cao như 17 héc - ta mướp vàng, bí xanh thơm tại xã Địa Linh, 7ha hồng không hạt ở xã Cao Trí, Quảng Khê, mô hình HTX trồng chè sạch theo công nghệ Viet Gap 12ha của xã Mỹ Phương.
Gia đình chị Nông Thị Yến ở thôn Nà Mon, xã Quảng Khê vay vốn chính sách trồng được 8 sào chè sạch giống mới, nuôi được cả 5 cặp trâu, bò sinh sản, để mỗi năm thu lãi trên dưới 200 triệu đồng. Kết thúc năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Ba Bể giảm từ 30,8% (năm 2016) còn 18,8% và được công nhận thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a.
Chung tay vì người nghèo
Từ thực tế trên và những kết quả đạt được, NHCSXH đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của mình trong giải pháp tín dụng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi Bắc Kạn. Nguồn vốn ưu đãi cũng thực sự trở thành công cụ đắc lực giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên vùng cao Bắc Kạn có chuyển biến mới từ nhận thức đến hành động, trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo khâu tập trung huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối là NHCSXH để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đúng mục tiêu của Chính phủ, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM của địa phương.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đạt gần 2.200 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 28 tỷ đồng, tăng 8,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40, hoàn thành vượt mức kế hoạch giao.
Hầu hết hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn có nhu cầu và có đủ điều kiện đều tiếp cận thuận lợi tới đồng vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua mạng lưới 122 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và hệ thống 1641 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp thôn, bản, tổ dân phố. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa NHCSXH các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng.
5 năm qua, tổng nguồn vốn ủy thác qua các tổ chức này là 1.997 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ với 44.537 hộ vay vốn; trong đó, Hội Phụ nữ dẫn đầu với 740 tỷ đồng chiếm 37% tổng dư nợ ủy thác. Quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, Hội Phụ nữ các cấp đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các công đoạn ủy thác như: bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi, lồng ghép với việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi và phong trào phụ nữ “hai giỏi”; đảm việc nhà, giỏi việc SXKD.
Mặt khác, Hội còn thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cấp hội làm tốt công tác quản lý vốn vay, thu vốn, thu lãi đúng quy định, do vậy tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1% so với tổng dư nợ ủy thác.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 40, chủ động huy động, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách; đồng thời, kiên trì hoạt động theo phương châm “tất cả vì người nghèo”, mạnh dạn đổi mới phương thức đầu tư, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu về vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chung tay góp sức giúp vùng miền núi dân tộc ngày càng ấm no.
Hoàng Thủy
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách bao phủ 100% các ấp, phường ở thành phố Hồ Chí Minh
- » Chỉ thị “bốn mươi” đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa
- » Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Đưa tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo đô thị
- » Người Tổ trưởng tận tâm với công việc
- » Những nỗ lực giảm nghèo ở Lâm Bình
- » Người nghèo vùng biên thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
- » NHCSXH TP Đà Nẵng kiên trì, năng động giúp dân giảm nghèo
- » Tổng kết khóa đào tạo tiểu giáo viên trực tuyến lần thứ 3 năm 2020
- » Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tận tâm với công việc