Đắk Nông hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

21/04/2020
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều biện pháp để chung tay tháo gỡ khó khăn cho người dân bị sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 15/4/2020, NHCSXH tỉnh đã thực hiện gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hơn 1.110 khách hàng, với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là gần 40,2 tỷ đồng.
2

Ngoài điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cơ cấu nợ, NHCSXH tỉnh còn ủng hộ kinh phí phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các trung tâm y tế huyện

Ghi nhận tại nhiều địa phương
Đắk Glong là một trong những địa phương thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho người dân tương đối kịp thời. Đến 15/4/2020, địa phương đã thực hiện điều chỉnh nợ sang kỳ tiếp theo cho khoảng 327 hộ, với dư nợ được điều chỉnh là hơn 11,8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Glong cho biết: “Ngay sau khi có chỉ đạo từ cấp trên, đơn vị nhanh chóng nắm bắt tình hình cụ thể từng địa bàn, cũng như mức độ ảnh hưởng của khách hàng vay vốn. Đối với những khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 chưa trả được nợ gốc khi đến hạn phân kỳ hoặc đến hạn cuối, ngân hàng phối hợp với địa phương xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Một số trường hợp khác sẽ được đơn vị thực hiện gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung, nhằm giúp khách hàng khôi phục sản xuất”.
Tại huyện Đắk Song, việc điều chỉnh kỳ hạn nợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng được NHCSXH triển khai nhanh chóng. Đến nay, đơn vị đã điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 185 hộ vay, với dư nợ gần 6,7 tỷ đồng.
Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Song Huỳnh Quang Dung cho hay: “Việc điều chỉnh kỳ hạn nợ cho khách hàng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Khi mọi hoạt động SXKD đều bị ngưng trệ, việc tạo điều kiện cho hộ vay có thời gian quay vòng vốn sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho người dân. Cùng với điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, phòng giao dịch tổ chức sắp xếp, phân chia thời gian phục vụ khách hàng đến giao dịch với ngân hàng. Từ đây, việc vay vốn sẽ không bị gián đoạn”.
Là trường hợp vừa được NHCSXH điều chỉnh kỳ hạn nợ, bà Nguyễn Thị Hương, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song chia sẻ: “Gia đình tôi kinh doanh hàng tạp hóa. Khoảng hơn 1 tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm rất nhiều. Thu nhập từ hoạt động buôn bán vì thế cũng giảm theo. Vừa qua, mặc dù đến hạn trả nợ gốc cho NHCSXH, nhưng gia đình tôi được điều chỉnh kỳ hạn nợ thêm 1 tháng. Thời gian gia hạn không nhiều, nhưng đã phần nào giúp gia đình có thêm thời gian để xoay vốn để trả ngân hàng”.
Đồng hành cùng người dân bị ảnh hưởng
Thực tế, đối tượng ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh Covid-19 chính là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay vốn. Trước thực tế này, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Tiến Hà - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Ngay khi có chỉ đạo của Trung ương, NHCSXH tỉnh đã tuyên truyền chủ trương hỗ trợ trên tinh thần kịp thời, rõ ràng, cụ thể. Việc phổ biến các chính sách bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách cũng được đơn vị thực hiện công khai. Chi nhánh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh. Trên cơ sở này, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ vay. Nhiều biện pháp như: gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các hộ vay bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ… được ngân hàng thực hiện cụ thể. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, những món vay đến hạn vào ngày giao dịch theo lịch cố định được tự động điều chỉnh sang kỳ giao dịch của tháng liền kề. Thông qua các biện pháp đó, giúp các hộ vay giảm bớt gánh nặng, có thêm thời gian chuẩn bị trong giai đoạn khó khăn này.
Cùng với việc gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, quá trình giải ngân nguồn vốn cũng được đơn vị thực hiện kịp thời. Qua đó, ngân hàng đã đáp ứng nguồn vốn nhanh chóng xuống tận người dân, từng bước giúp bà con chủ động nguồn vốn phục vụ sản xuất trong giai đoạn khó khăn. Tính đến 15/4, tổng dư nợ tại NHCSXH tỉnh là trên 2.738 tỷ đồng, với gần 68.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

Bài và ảnh Nguyễn Lương

Các tin bài khác