Thêm vốn đầu tư nuôi bò, nông dân Ninh Bình mau khấm khá

15/04/2020
(VBSP News) Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã làm tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hàng nghìn hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
q

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Đinh Văn Tá có điều kiện đầu tư nuôi bò
Ảnh được thực hiện trước ngày 01/4/2020

Có bò, có bê nhờ vốn vay ưu đãi
Tính đến nay gia đình anh Đinh Văn Tá ở thôn Văn Hà 2, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn đã có hơn 10 năm làm trang trại. Hiện với diện tích 3,5ha anh Tá đào 4 ao nuôi cá, trong đó có 1 ao nuôi cá trắm ốc, 1 ao thả cá truyền thống và 2 ao ương cá giống. Mỗi năm, gia đình anh Tá thu lãi hơn 200 triệu đồng nhờ xuất bán hơn chục tấn cá/năm. Ngoài nuôi cá, anh Tá còn nuôi bò sinh sản theo phương thức chăn thả tự nhiên. Nhận thấy nuôi bò không vất vả, ít rủi ro, cho thu nhập khá, anh Tá muốn mở rộng quy mô nuôi bò nhưng gặp khó khăn về vốn.
Để đồng vốn vay đạt hiệu quả, Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 280 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2.868 hộ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và vốn của NHCSXH trước khi giải ngân.
Anh Tá tâm sự: “Vợ chồng tôi tay trắng gây dựng trang trại nên rất vất vả. Để có vốn đầu tư trang trại, tôi cứ tích cóp lời lãi lứa cá này lại để đầu tư, mở rộng quy mô nuôi lứa sau. Vì thế, mang tiếng làm trang trại lãi cả trăm triệu đồng nhưng gia đình vẫn rất “khát” vốn. May mắn, được Hội Nông dân cho tín chấp, gia đình tôi được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng chương trình vốn vay giải quyết việc làm nên rất phấn khởi. Có tiền, tôi đi mua 3 con bò lai về nuôi”.
Để tránh rủi ro, thất thoát đàn, anh Tá đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản do các cấp Hội ND tổ chức. Anh thực hiện nghiêm khâu tiêm phòng dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng cho đàn bò. Với đà thuận lợi, anh Tá tin tưởng gia đình mình sẽ trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Bên cạnh đó, gia đình anh Tá còn được NHCSXH cho vay 12 triệu đồng chương trình nước và sạch vệ sinh môi trường.
Tương tự anh Tá, thông qua “kênh” Hội Nông dân, bà Đinh Thị Tầm ở xã Gia Lâm, huyện Nho Quan cũng được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Khởi đầu với 1 con bò và 1 con lợn nái, dồn tích thu nhập qua bán lợn và bê đã giúp bà có thêm thu nhập. Đến cuối năm 2018 bà Tầm đã thoát nghèo, trả nợ đúng hạn cho ngân hàng và tích lũy cho mình đôi bò. Vừa qua, bà Tầm tiếp tục được NHCSXH và Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ thoát nghèo. Bà Tầm phấn khởi cho biết: Lần vay vốn này bà quyết tâm mua thêm 2 con bò sinh sản. Nếu thuận lợi, mỗi năm bà sẽ có 4 con bê, bán đi mỗi năm cũng được 50 - 60 triệu đồng.
Ủy thác vốn vay hiệu quả
Hội Nông dân huyện Yên Mô là 1 trong những đơn vị Hội cơ sở quản lý hiệu quả vốn vay ủy thác NHCSXH. Ông Phạm Văn Toan - Chủ tịch Hội ND huyện Yên Mô cho biết: Hội ND huyện có 17 cơ sở Hội ở 17 đơn vị xã, thị trấn với 231 chi hội, trên 18.000 hội viên. Nhằm hỗ trợ hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế, những năm qua, Hội ND huyện đã chú trọng làm tốt công tác ủy thác cho vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Đến nay, công tác nhận ủy thác cho vay trở thành hoạt động thường xuyên được các cấp hội quan tâm chỉ đạo triển khai đến các đối tượng trên địa bàn huyện. Nhờ đó, những năm qua đã giúp trên 5.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho gần 7.000 lao động, trên 3.200 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề không phải bỏ học vì thiếu tiền đi học.
Theo báo cáo Hội ND tỉnh Ninh Bình, tính đến nay, tỉnh có 143/143 cơ sở hội nhận ủy thác với NHCSXH với tổng dư nợ hơn 657 tỷ đồng. Tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý là 734 tổ với 22.000 thành viên tham gia. 100% thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền gửi tiết kiệm bình quân 10.000 - 20.000 đồng/tổ viên/tháng.
Các cấp hội đã phối hợp tốt với NHCSXH triển khai có hiệu quả việc xây dựng mạng lưới điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Điển hình như Hội ND huyện Yên Mô có 99 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.731 hộ còn dư nợ với tổng số vốn vay trên 92 tỷ đồng; Hội ND huyện Kim Sơn có 122 tổ với 3.743 hộ còn dư nợ với tổng số vốn vay trên 135 tỷ đồng.

Bài và ảnh Thu Hà

Các tin bài khác