Tú Đoạn sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

24/04/2019
(VBSP News) Trong những năm qua, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ dân xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Người dân xã Tú Đoạn vay vốn đầu tư trồng trọt

Người dân xã Tú Đoạn vay vốn đầu tư trồng trọt

Ông Tô Văn Chí - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 20 thôn, 1.140 hộ với 6.540 nhân khẩu. Hiện nay, tổng dư nợ từ NHCSXH của xã gần 27 tỷ đồng với 967 hộ vay. Đa số người dân đều có ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã xây dựng được mô hình kinh tế phù hợp, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng và một phần kinh doanh dịch vụ…

Bà Lành Thị Lịch, thôn Bản Tấu cho biết: Trước đây, hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi khá khó khăn. Năm 2008, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư chăn nuôi. Với số tiền vay cùng với khoản gia đình tích góp được tôi đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi 10 con lợn thịt. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, tích lũy được vốn nên từ đó đến nay, tôi duy trì nuôi mỗi năm 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 20 đến 30 con. Cùng với đó, tôi làm ruộng, trồng ngô và hằng năm trồng từ 8 sào đến 1,5 mẫu dưa hấu. Hiện nay, bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu nhập 150 triệu đồng.

Cũng giống như bà Lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Đệ, thôn Pọong Cáu nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH cũng đã có thu nhập ổn định. Ông Đệ chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế ít đất sản xuất của gia đình, vay vốn tôi đầu tư phát triển chăn nuôi và mua máy cày để nâng cao năng suất cây trồng. Vừa làm, vừa kết hợp với các kiến thức được tập huấn ở xã, hiện nay bình quân một năm tôi nuôi 3 con lợn nái, sau 6 tháng được xuất bán 1 lứa lợn con, mỗi lứa 30 con. Đến mùa vụ, tôi trồng thêm khoai lang, dưa hấu, mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng”.

Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, hằng năm, ngay từ khi có kế hoạch của NHCSXH huyện, UBND xã đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các thôn, bản; chỉ đạo công tác bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình, đúng đối tượng, chương trình cho vay và mục đích sử dụng. Sau khi giải ngân, xã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Cùng với đó, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã xác định hướng phát triển kinh tế chính của người dân là nông lâm nghiệp. Đồng thời, xã quy hoạch thành vùng sản xuất cụ thể như: phát triển trồng rừng tại các thôn: Pò Qua, thôn Mới, Bản Bằng, Nà Già, Bản Tấu, Bản Cạo, Phai Sen; phát triển nông nghiệp, trồng cây hoa màu tại các thôn: Pò Lọi, Bản Cạo, Bản Tấu, Khòn Trang, Pò Mới, Sì Nghiều, Bản Quấn, Bản Quyến, Pọong Cáu; phát triển trồng cây ăn quả thôn Bản Mới…

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả nguồn vốn, hằng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức lồng ghép tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lớp dạy nghề cho bà con trung bình từ 20 - 25 cuộc/năm. Riêng quý I/2019, xã phối hợp tổ chức được 5 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của xã cùng sự chủ động của bà con, hiện nay, đời sống của người dân xã Tú Đoạn ngày càng được nâng cao. Trong xã, rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm như: hộ ông Mai Văn Gioỏng, thôn Bản Quấn; hộ ông Mai Văn Khoái, thôn Dinh Chùa; hộ ông Hà Văn Khèn, thôn Pò Khoa; hộ bà Lành Thị Lịch, thôn Bản Tấu; hộ ông Hoàng Văn Trưởng, thôn Khòn Mới….

Hiện thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng/người/năm so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 11,7%, giảm 15,3% so với năm 2015.

Bài và ảnh Kim Huyên

Các tin bài khác