Phụ nữ Yên Lạc với đồng vốn vay chính sách

21/12/2017
(VBSP News) Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có ưu thế về đất đai phì nhiêu, lao động dồi dào, giao thông thuận tiện để phát triển toàn diện về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Chính vì những điều kiện ấy, một trong những giải pháp được lãnh đạo các cấp, các ngành nơi đây tập trung đầu tư mọi nguồn lực, đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước để phục vụ thiết thực chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH, xưởng may của chị Nguyễn Thị Thu Hương ở xã Yên Phương, huyện Yên Lạc hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động

Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH, xưởng may của chị Nguyễn Thị Thu Hương ở xã Yên Phương, huyện Yên Lạc hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động

Theo ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chương trình giảm nghèo trên toàn địa bàn đã trở thành phong trào sâu rộng, đồng đều trong đời sống cộng đồng, huy động sức mạnh tổng hợp các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, chỉ riêng trong lĩnh vực tín dụng chính sách, Vĩnh Phúc đã tích cực huy động các nguồn lực tài chính tạo lập nguồn vốn từ nguồn vốn Trung ương cấp, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, nguồn vốn nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, của các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đến nay được 2.267 tỷ đồng.

Toàn bộ số vốn đó đã được NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận, chuyển tải kịp thời về đúng đối tượng thụ hưởng tại 137 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố.

Với phương châm “tất cả vì người nghèo”, những năm qua, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc luôn bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sự chỉ đạo của cấp trên, mở rộng mối quan hệ, liên kết với các ngành, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, nên đã tổ chức thực hiện hiệu quả 12 chương trình tín dụng chính sách.

Cụ thể là 4 tổ chức hội, đoàn thể ở Vĩnh Phúc đã làm nhiệm vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 2.247 tỷ đồng, chiếm 99,36% tổng dư nợ của NHCSXH, với 83.856 hộ còn dư nợ. Các huyện Tam Đảo, Yên Lạc, Lập Thạch còn xây dựng củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, bản xa xôi, nhờ vậy đã tạo cơ hội cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Tiêu biểu có huyện Yên Lạc đã cho vay ủy thác qua 4 hội, đoàn thể và 309 Tổ tiết kiệm và vay vốn là 298 tỷ đồng. Xác định thực hiện hợp đồng ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Phụ nữ huyện đã đưa công tác ủy thác vào tiêu chí thi đua, tích cực tuyên truyền phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, tập trung xây dựng củng cố hoạt động của mạng lưới 106 Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành việc bình xét công khai, công bằng các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc hội viên vay vốn trả nợ, nộp lãi đúng quy định.

Nguồn vốn ủy thác do Hội Phụ nữ huyện Yên Lạc hiện đã giúp cho 1.172 hộ hội viên thoát nghèo, có đời sống ổn định, trong đó có hàng trăm gia đình do phụ nữ đóng vai trò chủ đạo đã đầu tư vốn vay phát triển sản xuất đúng hướng, đạt kết quả không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhanh điển hình như hộ chị Tạ Thị Huyền, chị Nguyễn Thị Sáu ở xã Tam Hồng; chị Văn Thị Kim Liên xã Đại Từ đã sử dụng nguồn vốn chính sách của chương trình hộ cận nghèo lập xưởng may, tạo công việc ổn định cho 35 lao động trong thôn xóm, thu nhập hàng năm từ 200 - 300 triệu đồng. Tương tự, hộ chị Nguyễn Thị Dương thông qua Hội Phụ nữ xã Nguyễn Đức vay vốn chính sách 50 triệu đồng đã đầu tư nuôi bò lai sind, cải tạo ruộng lúa năng suất thấp thành vườn rau sạch, thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Để nguồn vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, phối hợp với các cấp các ngành tăng cường huy động nguồn vốn, thực hiện đầy đủ chuyển tải đầy đủ, kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo; phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao, đưa tổng dư nợ tăng 100% so với năm trước và hạn chế tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,12% tổng dư nợ, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, phục vụ đắc lực chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác