Hưng Yên đổi mới phương thức đầu tư tín dụng chính sách

18/08/2017
(VBSP News) Những năm qua, công tác giảm nghèo ở Việt Nam luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm sâu sắc và đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Trên cơ sở kết quả đạt được, giai đoạn 2017 - 2020 Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững theo chuẩn mới - chuẩn nghèo đa chiều. Với Hưng Yên, một tỉnh nằm giữa vùng Đồng bằng Bắc Bộ và liền kề với thủ đô Hà Nội đã cuốn hút đông đủ các cấp ngành, các tầng lớp tham gia, trong đó NHCSXH luôn nỗ lực quyết tâm cao trong việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đã và đang mang lại kết quả khả quan.
Mô hình trồng cà chua giống Thái Lan theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình ông Lã Ngọc Chiến ở phường Nam Sơn, thành phố Hưng Yên được đầu tư từ dòng vốn tín dụng chính sách mang lại những trái ngọt, thu nhập khá cao Ảnh: Tư liệu

Mô hình trồng cà chua giống Thái Lan theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình ông Lã Ngọc Chiến ở phường Nam Sơn, thành phố Hưng Yên được đầu tư từ dòng vốn tín dụng chính sách mang lại những trái ngọt, thu nhập khá cao
                                                                                     Ảnh: Tư liệu

Trở lại thăm Hưng Yên lần này, gặp Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Ngọc Quỳnh, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh bức tranh giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là đóng góp của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn trong những năm qua.

Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Quỳnh đánh giá: “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cùng với hoạt động của NHCSXH đã đóng góp tích cực và trở thành công cụ đắc lực trong giảm nghèo, giải quyết nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội đang đặt ra ở vùng đồng bằng đất chật người đông. Đến nay 100% hộ nghèo có nhu cầu đều được vay vốn ưu đãi để SXKD với số tiền trên 1.200 tỷ đồng; 24 nghìn hộ gia đình thuộc diện khó khăn được vay vốn chính sách cho con đi học với tổng kinh phí gần 260 tỷ đồng; 669 tỷ đồng vốn ưu đãi đã được đầu tư cho người dân khu vực nông thôn xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn và hàng nghìn nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, mở mang ngành nghề thủ công từ 255 tỷ đồng vốn vay ưu đãi chương trình tín dụng giải quyết việc làm. Có thể nói, hiệu quả của tín dụng chính sách nhất là khi đổi mới phương pháp tín dụng chính sách cùng sự vận dụng các chính sách khác kịp thời nên đã làm cho tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của toàn tỉnh Hưng Yên giảm từ 10,98% năm 2012 xuống còn 7,65% vào cuối năm 2016”.

Đồng nhất với nhận xét của đại diện lãnh đạo tỉnh, Bí thư Đảng uỷ xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm Dương Thị Hằng cho biết: “Mấy năm trở lại đây, nhờ sự đổi mới công tác cho vay vốn ưu đãi của NHCSXH, bà con dân nghèo trong xã Lạc Đạo đã chủ động đẩy mạnh thâm canh đồng ruộng, mở mang ngành nghề dịch vụ, xây dựng trạm cấp nước sạch, khai quang đường làng ngõ xóm, đẩy lùi được tệ nạn vay nóng ở bên ngoài chịu lãi suất cao cũng như cảnh lầy lội, bụi bẩn gây tác hại đến sức khỏe của người già, trẻ em”.

Những ý kiến đánh giá của địa phương đã khẳng định những đóng góp của nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong các chương trình dự án tham gia thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm ở Hưng Yên.

Theo báo cáo, tổng nguồn vốn đầu tư cho người nghèo và các đối tượng chính sách của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt 2.275 tỷ đồng, tăng 17 lần so với thời kỳ đầu thành lập (năm 2003), cùng với đó là đội ngũ cán bộ NHCSXH ở 10 huyện cũng không ngừng trưởng thành về số lượng, chất lượng, có đủ kiến thức, năng lực điều hành tác nghiệp, giàu tâm huyết với nghề nghiệp, với chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm ổn định của địa phương.

15 năm hoạt động, những cán bộ NHCSXH vùng châu thổ sông Hồng luôn bền bỉ, hăng say lao động theo phương châm “tất cả vì người nghèo”. Với mạng lưới Điểm giao dịch NHCSXH được đặt tại các xã và bố trí ở những vị trí rộng rãi, an toàn trong trụ sở UBND xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người dân tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn chính sách.

Cùng với việc đổi mới, sắp xếp, củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, uỷ thác một số nội dung công việc qua các hội, đoàn thể để đồng vốn ưu đãi của Nhà nước được chuyển tải kịp thời, minh bạch đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH tỉnh Hưng Yên còn thay đổi phương thức đầu tư tập trung, đầu tư ưu tiên các xã xây dựng nông thôn mới, các làng nghề để vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, vừa đảm bảo tín dụng chính sách, giảm thiểu số nợ quá hạn và lãi tồn đọng.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Những năm trở lại đây, nguồn vốn ưu đãi được tập trung vào cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, triển khai đồng bộ, có hiệu quả theo cơ chế, mục tiêu của chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm. Người dân trong tỉnh đã sử dụng vốn vay ưu đãi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thâm canh đồng ruộng, vườn tược, khôi phục mở mang ngành nghề, lựa chọn xây dựng các loại hình, mô hình sản xuất phù hợp, có giá trị kinh tế rõ rệt. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế địa phương trong việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, rất nhiều hộ gia đình miền quê giữa đồng bằng Bắc Bộ này thoát hẳn nghèo khó, làm ăn khấm khá, sửa sang xây mới, nhà cửa khang trang. Đơn cử về anh Vũ Văn Toản ở xóm 2 Cao Xá, phường Nam Sơn, TP Hưng Yên được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi 30 triệu đồng vốn ưu đãi cải tạo, khai thác cả một khu đất lầy thụt bên sông Hồng thành vườn cao trồng 1.200 cây cam đường canh, cam Vinh và 100 gốc táo lai siêu ngọt, thu nhập đến 400 triệu đồng năm. Hay gia đình bà Lưu Thị Hiểu ngụ xã Phố Phủ, huyện Khoái Châu đã được vay vốn ưu đãi lần 2 tới 50 triệu đồng, thực hiện kế hoạch mở rộng mô hình trồng rau sạch, nuôi gà Đông Cảo. “Cùng với vốn vay của NHCSXH huyện và những kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do Hội Phụ nữ địa phương trang bị, gia đình tôi phấn đấu làm ăn hiệu quả, thoát nghèo bền vững, lâu dài”, bà Hiển tâm sự.

Bây giờ nhìn cảnh làng quê, đồng ruộng và cuộc sống người dân vùng đồng bằng Hưng Yên đổi thay lớn lao, ai cũng cảm nhận có phần đóng góp đắc lực, thiết thực của NHCSXH.

Tuy nhiên, để công cuộc giảm nghèo thực sự bền vững NHCSXH tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn vốn, hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào những đối tượng cụ thể, thực hiện biện pháp hỗ trợ về cho vay tín dụng ưu đãi gắn với hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao KHKT, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động, thay đổi thói quen lạc hậu, phấn đấu trên 90% người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận các dịch vụ của NHCSXH, chung tay góp sức đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thành công.

Xuân Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác