Ăn Tết to nhờ biết làm vốn sinh lời

24/01/2017
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, hàng nghìn hộ nông dân huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã có điều kiện, chuyển đổi, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân Ninh Bình có điều kiện phát triển chăn nuôi sản xuất, ổn định kinh tế gia đình

Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân Ninh Bình có điều kiện phát triển chăn nuôi sản xuất, ổn định kinh tế gia đình

Gỡ khó cho nông dân

Gia đình ông Nguyễn Văn Toán là một trong những hộ tiên phong phát triển kinh tế trang trại ở xã Ninh Giang, ông Toán cho biết: “Nhiều năm trước đây, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ 3 mẫu lúa kém hiệu quả sang đào ao, chăn nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả. Năm nay, mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng gia đình tôi thu lãi 200 triệu đồng, đón một cái Tết vui vẻ, ấm cúng”.

Theo ông Toán, gia đình ông có được thu nhập như hiện tại là do có sự giúp sức của NHCSXH rất nhiều. Những năm đầu làm trang trại, vợ chồng ông Toán gặp khó khăn trăm bề, kinh nghiệm không có, nhất là những hộ nghèo như ông còn thiếu vốn làm ăn. Theo ông Toán, nếu không có vốn, người nông dân như bị “cụt chân, cụt tay”, có giỏi đến đâu cũng đành chịu. Khó khăn của ông Toán phần nào được tháo gỡ, khi NHCSXH cho gia đình ông vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo. Có vốn ông đầu tư những loại con, cây giống mới cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi thêm vịt trời, chim câu, trồng bưởi, chanh đào,…

Bên cạnh đó, gia đình ông còn được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 12 triệu đồng từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây hầm biogas. Với hầm biogas này gia đình tiết kiệm được chi phí sinh hoạt và bảo vệ môi trường.

Gần nhà ông Toán, gia đình chị Vũ Thị Triều cũng được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm. Có vốn, chị Triều đầu tư mua máy xay xát, mở rộng quy mô nuôi lợn. Chị Triều thổ lộ: “Đều là nông dân, kinh tế khó khăn nên vợ chồng tôi bảo nhau làm ăn, nuôi con cái ăn học. Từ ngày NHCSXH cho vay vốn mua máy xát, gia đình tôi làm ăn thuận lợi hẳn. Ban ngày, vợ chồng tôi thay nhau đi buôn thóc, đứng máy xay xát. Tối về tôi tranh thủ nấu rượu, cám gạo, bã rượu để nuôi lợn, nhờ vậy, nuôi lứa nào được lứa nấy”.

Nguồn vốn được uỷ thác qua các hội, đoàn thể

Ông Tống Vạn Tường - Chủ tịch UBND xã Ninh Giang cho biết, Ninh Giang là xã thuần nông. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình gần với kinh tế hợp tác. “Nhiều năm nay, tín dụng chính sách là một trong những nguồn vốn quan trọng giúp người nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn xã là trên 11,5 tỷ đồng với 587 hộ vay,… Điểm đáng chú ý là nhiều năm liền, Ninh Giang không có nợ quá hạn”, ông Tường nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Bích Thủy - Giám đốc NHCSXH huyện Hoa Lư cho biết: NHCSXH huyện đang cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ trên 153 tỷ đồng cho 6.676 hộ vay, nợ quá hạn là 73 triệu đồng, chiếm 0,05% tổng dư nợ. Trong đó, 99% số vốn NHCSXH huyện cho vay là thông qua các hội, đoàn thể. “Hình thức phối hợp chặt chẽ này sẽ giúp 3 bên: NHCSXH - các hội, đoàn thể - hộ vay vốn cùng có lợi. Đồng vốn đến đúng đối tượng vay, NHCSXH huyện sẽ tiết kiệm được chi phí nhân lực, nghiệp vụ, giảm rủi ro cho vay; các đoàn thể và các hội viên của mình sẽ có sự liên kết khăng khít hơn…”, bà Thủy cho hay.

Bài và ảnh Thu Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác