Người Khmer ở Tịnh Biên vay vốn tính toán làm giàu
Theo báo cáo, chỉ tính riêng chương trình cho vay hộ nghèo, đến nay NHCSXH huyện Tịnh Biên đã cho 4.000 hộ nghèo vay, với dự nợ gần 45 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc thực hiện Chương trình 134, 135; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho hơn 1.000 hộ nghèo với kinh phí 21 tỷ đồng; cất mới và sữa chữa 238 căn nhà “Đại đoàn kết” trị giá trên 4,8 tỷ đồng. Đến nay, Tịnh Biên hoàn thành việc xóa nhà tạm, góp phần “an cư, lạc nghiệp” cho người nghèo, với phương châm: “Dạy những nghề mà nông dân cần, nghề mà sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ được”. Hàng năm huyện tổ chức đào tạo nghề cho hơn 1,5 nghìn lao động nông thôn; giới thiệu và giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động.
Do cơ giới hóa đồng ruộng ngày càng phát triển, bò trở thành vật nuôi hàng hóa, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, gần 300 hộ người dân tộc Khmer ở các xã Văn Giáo, Tân Lợi, An Cư và Nhơn Hung được các cấp mở nhiều lớp dạy nghề chăn nuôi bò giống, bò thịt, bò vỗ béo và lại được vay tiền ưu đãi từ NHCSXH theo Đề án 25 của UBND tỉnh An Giang.
Anh Chau Rim ở ấp Tân Long, xã Tân Lợi cho hay, năm 2007 gia đình được Nhà nước cấp 1 ngôi nhà theo Chương trình 134. Đến năm 2010 được vay vốn 10 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi bò, trong vòng 3 năm không tính lãi và được hỗ trợ 3 triệu đồng không hoàn lại để làm chuồng trại. Ngoài chăn nuôi bò, gia đình còn nấu đường thốt nốt, kiếm thêm thu nhập 200 nghìn đồng mỗi ngày. “Cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước nhiều, nhà cửa khang trang, có tivi, tủ lạnh, xe honda,… Tết Chol Chnăm Thmây năm nay hẳn sẽ vui hơn”, Chau Rim khoe.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lợi, Phạm Văn Năng thông tin, xã có 2.521 hộ, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 54%. Thực hiện Đề án 25 của UBND tỉnh có 175 hộ được thụ hưởng, mỗi hộ được vay ưu đãi 10 triệu đồng từ NHCSXH. Những năm qua, chính sách an sinh đối với đồng bào Khmer góp phần hữu hiệu vào công cuộc giảm nghèo. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 34% xuống còn 10%. Trên địa bàn toàn huyện, nếu như năm 2010, Tịnh Biên còn 6.768 hộ nghèo, nay chỉ còn 2.392 hộ; riêng hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm còn 4,75%, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm khoảng 3%.
Hiện nghề nuôi bò laisind ở Tịnh Biên đang phát triển mạnh, được xem là kinh tế chủ lực của hàng nghìn hộ nông dân, chủ yếu là đồng bào Khmer. Số lượng đàn bò đã lên tới hơn 20 nghìn con, theo đó một nghề mới xuất hiện - trồng cỏ nuôi bò, hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng lúa. “Nguồn tiền vay được từ NHCSXH ngày một nhiều, đàn bò, đồng cỏ ngày một mở rộng, sự nghiệp giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của huyện miền núi biên giới Tịnh Biên ngày thêm bền vững”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Quân hy vọng.
Châu Hồ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Diện mạo mới ở vùng quê Krông Nô
- » Vốn vay dẫn đường, người mù lập cơ nghiệp
- » NHCSXH TP Đà Nẵng sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 40
- » Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm ở Lý Nhân
- » Cùng người nghèo thoát nghèo
- » Chuyện thoát nghèo ở Bắc Phong
- » Vốn chính sách tiếp bước sinh viên đến trường
- » “Bí quyết tự tin” của hộ cận nghèo
- » Sáng mãi tấm gương người lính cụ Hồ trong mặt trận giảm nghèo trên quê hương đất Tổ
- » Tín dụng chính sách tiếp sức thanh niên lập nghiệp