Thi đua để giúp dân làm giàu
Xác định công tác thi đua, khen thưởng là động lực phấn đấu, là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, từ năm 2010 đến nay, NHCSXH TP. Hà Nội đã phát động 34 đợt thi đua ngắn ngày và dài ngày. Theo Giám đốc Nguyễn Kim Phung, phong trào thi đua yêu nước tại đơn vị đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần xây dựng đơn vị phát triển ổn định, bền vững; đóng góp tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, từ 6,09% (năm 2010) xuống còn 1,91% (cuối năm 2014). Đến hết tháng 3/2015, chi nhánh đạt tổng dư nợ 4.771 tỷ đồng, tăng 2.087 tỷ đồng (77,7%) so với thời điểm đầu năm 2010, bình quân tăng 407 tỷ đồng/năm. Qua phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều gương lao động sáng tạo, điển hình tiên tiến, toàn chi nhánh có 58 lượt “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, 3 lượt “Chiến sỹ thi đua ngành Ngân hàng”; đặc biệt có 1 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đối với tập thể, năm 2011 chi nhánh vinh dự được nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; cờ thi đua của Công đoàn NHNN; năm 2012 được Chủ tịch HĐQT quyết định công nhận lá cờ đầu toàn quốc. Năm 2014, là lá cờ đầu của khu vực đồng bằng sông Hồng.
Những năm qua vừa qua, nông thôn ngoại thành Hà Nội đô thị hóa với tốc độ rất nhanh. Ruộng đất canh tác đãdần thu hẹp, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Hàng vạn nông dân mất đất, thiếu việc làm. Quyết không để nông dân “nghèo hóa”, hoặc tái nghèo, mà phải đưa họ vào con đường hội nhập. Bám sát chủ trương của thành phố, hướng về “tam nông” (nông nghiệp-nông dân-nông thôn), thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, NHCSXH TP. Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể. Giai đoạn 2010-2015, chi nhánh đã triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn với doanh số cho vay trên 6.000 tỷ đồng, thông qua trên 500 nghìn khách hàng vay vốn. Tính đến hết tháng 3/2015, dư nợ cho vay khu vực này là 3.796 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; vùng quê ngoại thành xuất hiện ngày càng nhiều những triệu phú, tỷ phú. Có thể kể đến những gương điển hình, như chị Nguyễn Thị Khanh ở thôn Quang Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Chị Khanh được vay 3 chương trình của NHCSXH, trong đó có 8 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa, 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo, 50 triệu đồng chương trình tín dụng HSSV cho 2 con đi học. Trước đây, gia đình chị có tới 10 mảnh ruộng, nằm rải rác. Năm 2005, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với dồn điền, đổi thửa, ruộng đất được quy về một mối, chị ra đồng lập trang trại theo mô hình kinh tế VAC: 7 sào ao thả cá kết hợp nuôi 500 vịt đẻ; trong chuồng nuôi 2 con trâu, gần chục con lợn thịt và lợn nái; diện tích còn lại trồng rau sạch, lãi thu được trên 10 triệu đồng/tháng. Năm 2014, chị Khanh đã trả hết nợ chương trình hộ nghèo cho NHCSXH, gia đình thoát nghèo bền vững.
Xã Quang Tiến trước đây có trên 310ha đất sản xuất, nay chỉ còn lại gần 250ha. Ngoài những hộ có đất làm trang trại, sản xuất hàng hóa; những hộ không đất được NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn để làm nghề kinh doanh, dịch vụ. Chi Hội CCB thôn Xuân Bách, có 25/70 hội viên vay vốn giải quyết việc làm để làm nhà trọ cho công nhân thuê, buôn bán nhỏ, đạt doanh thu 50 triệu đồng/hộ/tháng. Ngoài việc cho hộ vay vốn để sản xuất chăn nuôi, thoát nghèo, NHCSXH thành phố còn tiếp sức cho kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn. HTX sản xuất và chế biến nấm Sáng Thiện ở xã Quang Tiến, năm 2014 được vay 300 triệu đồng, hay doanh nghiệp dệt may Minh Tâm, ở huyện Phúc Thọ được vay 200 triệu đồng, cả 2 đơn vị vay vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho gần 100 lao động, với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hà Nội, tính đến nay toàn thành phố có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng năm 2014,đã có 71 xã. Với kết quả này, Hà Nội chiếm 1/5 số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành điểm sáng của cả nước. Đến cuối năm 2015, thành phố Hà Nội phấn đấu có thêm 57 xã đạt chuẩn. Luôn thi đua với các ngành hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đến nay chi nhánh đã triển khai giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho 57 xã, góp phần đưa kế hoạch xây dựng nông thôn mới về đích trước thời hạn.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nữ Giám đốc “hai giỏi”
- » Người mang niềm vui đến với người nghèo
- » Người cán bộ tâm huyết với công tác tín dụng chính sách
- » Hết lòng vì người nghèo
- » Thi đua thực hiện tốt uỷ thác vay vốn chính sách
- » Hết mình vì công việc
- » NHCSXH tỉnh Quảng Nam tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015
- » “Nữ thủ lĩnh vững vàng của mạng lưới tín dụng ưu đãi ở cơ sở”
- » “Không có việc gì khó...”
- » Nữ lãnh đạo ở mảnh đất “trèo đèo lội suối”