Tổ trưởng “ba nhất”

17/04/2015
(VBSP News) Đó là nguyên văn lời chị Bạch Tố Uyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Trại, huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) khi giới thiệu chúng tôi tới làm việc với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3 Vũ Thị Mến.
Tổ trưởng Vũ Thị Mến trong phiên giao dịch tại xã Ba Trại

Tổ trưởng Vũ Thị Mến trong phiên giao dịch tại xã Ba Trại

Ba Trại là 1 trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, nơi đây có gần 14 nghìn người dân sinh sống, 3.413 hộ, gần 40% người dân tộc Mường. Toàn xã hiện có 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn, thì Hội Phụ nữ đã quản lý tới 12 tổ. 12 Tổ trưởng cũng là 12 Chi hội trưởng phụ nữ thôn, xóm. Bà Vũ Thị Mến được các Tổ trưởng trong xã “phong tặng” danh hiệu “chị cả”, vì so với các chị em bà Mến là người lớn tuổi nhất (51 tuổi). Bà đã có thâm niên hơn 16 năm làm công tác phụ nữ ở thôn và làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bạch Tố Uyên, nhận xét: “Bà Mến là Tổ trưởng quản lý vốn tốt nhất xã. Tính đến nay, với dư nợ gần 1 tỷ đồng, giải ngân 6 chương trình, 56 tổ viên còn vay vốn; cùng với danh hiệu Tổ trưởng “3 nhất”, bà Mến còn là Tổ trưởng “3 không”: Không có hộ vay ké, không xâm tiêu và không nợ quá hạn. Đặc biệt 100% tổ viên gửi tiết kiệm, với mức tiền gửi từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/người/tháng”.

Khi được hỏi về kinh nghiệm làm Tổ trưởng, bà Mến thật thà chia sẻ: “Làm lâu rồi thành quen, thấy được việc chị em trong thôn tin tưởng. Không phụ lòng tốt của mọi người, nên mình động viên bản thân luôn phải làm thật tốt. Xã Ba Trại nói chung, thôn 3 nói riêng, đất rộng, người đông, chủ trương của Hội Phụ nữ xã gắn Tổ tiết kiệm và vay vốn với Chi hội phụ nữ thôn. Theo bà Mến cách làm này “một công được đôi việc”: làm cho Tổ trưởng gần hơn, hiểu hơn hoàn cảnh từng hội viên, kiểm soát chặt chẽ cách sử dụng vốn vay. Thu lãi, trả nợ đúng hạn; động viên các tổ viên gửi tiết kiệm. Khi được phân bổ vốn vay về thôn, bà Mến báo cáo với chi bộ, Trưởng thôn. Sau đó họp tổ, bình xét hộ vay vốn, mời Trưởng thôn tham gia, mời BCH Phụ nữ xã về dự để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Để quản lý vốn vay tốt hơn, Tổ trưởng thôn 3 ghi chép sổ sách chi tiết, đầy đủ, hàng tháng luôn cập nhật số liệu báo cáo và theo dõi những hộ đến hạn trả nợ định kỳ, trả nợ gốc đến hạn cuối cùng, từ đó đôn đốc các hộ vay được biết và kịp thời trả nợ ngân hàng. Nhờ vậy, tổ viên thôn 3 vay vốn không chỉ nộp lãi hàng tháng đều đặn, trả nợ đúng hạn, thậm chí nhiều hộ còn trả nợ trước hạn. Như chị Nguyễn Thị Hương là một ví dụ. Gia đình chị có 2 con học đại học, được vay 60 triệu đồng từ NHCSXH. Năm 2014 một cháu đã ra trường, có việc làm; một cháu còn tiếp tục học năm thứ 3. Tuy vậy, gia đình đã trả nợ cả gốc và lãi cho ngân hàng trước một năm.

Xã Ba Trại có gần 300ha trồng lúa, ngô, nhưng có tới 451ha chè. 160 trang trại, gia trại đang hoạt động. Chè là nguồn thu chính của nông dân. Hầu hết tổ viên thôn 3 sử dụng vốn vay từ NHCSXH vào chăm sóc cây chè, chăn nuôi trâu bò, lợn gà để có thu nhập. Nhà Tổ trưởng Mến có 5 sào cấy lúa, trồng ngô; có trang trại rộng tới 2ha, nuôi thêm gà, lợn và trồng chè, hàng năm thu nhập của gia đình lên tới gần 300 triệu đồng. Sản xuất và chăn nuôi ở miền núi khó khăn là vậy, nhưng gia đình của Tổ trưởng Vũ Thị Mến không vay vốn từ NHCSXH. Hỏi lý do, bà trả lời đơn giản: Không phải đầy đủ đâu. Thiếu vốn, mình vay NHNo&PTNNT 150 triệu đồng. Còn vốn NHCSXH, nhiều hộ còn nghèo, còn khó khăn hơn nhà mình, phải ưu tiên vốn vay cho họ. “Muốn làm tốt công tác xã hội, trước hết phải làm tốt công tác gia đình, có vậy mọi người mới tin tưởng”, bà Mến chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Hồng Nam: Hơn 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở Ba Trại gần 20%, nay đã giảm xuống còn 6,7% . Năm 2015, xã đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%; hiện đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với các xã trong huyện Ba Vì, Ba Trại đã và đang giảm nghèo bền vững. Trong thành tích chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của các chị em phụ nữ, bắt đầu từ những con người như bà Vũ Thị Mến.

Bài và ảnh Hồ Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác