Một số giải pháp phát triển bền vững NHCSXH
Thành quả đó được thể hiện rõ nét từ thực tế tại tỉnh Bắc Giang, một tỉnh miền núi với diện tích tự nhiên 3.827km2, dân số gần 1,6 triệu người, gồm 8 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12% dân số của tỉnh, có điểm xuất phát thấp về kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế lạc hậu, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo cao hơn đáng kể so với bình quân cả nước; đa số các hộ nghèo thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất và kinh nghiệm làm ăn. Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 14 vạn hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh vay vốn phát triển sản xuất; trên 8 vạn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và trên 4 vạn đối tượng chính sách khác vay vốn.
Tuy nhiên, nguồn lực dành cho tín dụng chính sách còn thấp xa so với nhu cầu thực tế. Đối tượng thụ hưởng được thường xuyên mở rộng nhưng chưa toàn diện, sự vào cuộc của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội chưa mạnh, chưa đồng đều,… nên chưa phát huy hết hiệu quả, chưa tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, toàn diện của tín dụng chính sách.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự đánh giá đầy đủ hơn về những kết quả đã đạt được trong thời qua, xác định được điểm mạnh, lợi thế và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế từ đó có định hướng và giải pháp trước mắt và lâu dài để phát triển bền vững NHCSXH, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể nói, phát triển bền vững NHCSXH là sự phát triển hoàn thiện về hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời điểm hiện tại và duy trì phát triển trong tương lai. Từ đó, cần xây dựng và hoàn thiện mô hình hoạt động, xác định đối tượng phục vụ và nguồn lực để thực hiện.
Để triển khai có hiệu quả hơn nữa, cần xác định rõ mục tiêu và nhóm đối tượng cần tập trung hướng tới trong từng giai đoạn phát triển, từ đó làm căn cứ cân đối nguồn lực phù hợp. Vì vậy, cần xác định chính sách tín dụng đối với các nhóm đối tượng trực tiếp, và các đối tượng gián tiếp có tác động đến việc thực hiện xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đến các đối tượng hiện đang cho vay. Từ đó, giúp hỗ trợ tốt hơn đối với hộ nghèo, nâng cao điều kiện sống của người nghèo, giúp giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục triển khai và mở rộng quy mô tín dụng đối với khu vực miền núi, vùng nghèo theo hướng bổ sung nguồn vốn và cải thiện mức vay. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện ở vùng nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Bổ sung thêm đối tượng vay vốn để tạo tác động gián tiếp giúp giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Có chính sách cho vay ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đào tạo và thu hút lao động tại chỗ đối với các hộ thuộc diện hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, xác định đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định. Từ đó, giúp nguồn vốn tín dụng được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn được sử dụng đúng mục đích, giảm rủi ro tín dụng. Mặt khác, chuẩn nghèo quy định trong thời gian 5 năm là quá dài, dẫn đến thoát nghèo theo chuẩn cũ, tái nghèo theo chuẩn mới (nghèo trở lại), cần xem xét quy định lại khoảng thời gian xác định chuẩn nghèo là 3 năm.
Mô hình bộ máy tổ chức của NHCSXH mang tính ưu việt, có tính đặc thù và phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị nước ta, do vậy chúng ta cần tiếp tục duy trì và hoàn thiện. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện 3 nội dung cơ bản: Ban đại diện HĐQT, giao dịch xã và mô hình hoạt động tại cấp xã.
Ban đại diện HĐQT được thành lập có sự tham gia phối hợp của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ quản trị ngân hàng, tổ chức triển khai chủ trương chính sách, tham mưu cho chính quyền, giám sát hoạt động và tổng hợp đề xuất bổ sung, điều chỉnh chính sách từ cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó quy tụ, phát huy được sự tham gia vào cuộc của các ngành và hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương tín dụng chính sách của Nhà nước. Thực tế hiện nay, cơ bản thành phần tham gia Ban đại diện HĐQT mới đến cấp huyện nên hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa sâu sát đến cơ sở. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện hơn, quy mô hoạt động của Ban đại diện HĐQT cần được mở rộng đến cấp xã. Qua thực tế tại tỉnh Bắc Giang là đơn vị được lựa chọn triển khai thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện đã góp phần tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý tín dụng chính sách từ trung ương đến cơ sở; giúp địa phương thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã, xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc và hệ thống chính trị vững mạnh. Điều đó khẳng định việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện là thiết thực, cần tiếp tục nghiên cứu đề ra các quy định cụ thể và triển khai chính thức, lâu dài trên địa bàn tỉnh và căn cứ tình hình thực tế tại mỗi địa phương có lộ trình mở rộng quy mô trên phạm vi toàn quốc.
Về hoạt động giao dịch xã, đặc trưng cơ bản trong hoạt động của NHCSXH là triển khai hoạt động tại Điểm giao dịch xã, cơ bản các hoạt động của NHCSXH được triển khai tại xã và thực tế đã khẳng định và chứng minh tính hiệu quả của mô hình này. Do vậy, cần tập trung hoàn thiện quy trình, bổ sung điều kiện về vật chất, phương tiện, công nghệ, con người để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Giao dịch xã vừa góp phần thực hiện tinh giản khâu trung gian và tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch xã, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng giao dịch, tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng của NHCSXH, giúp hoạt động tín dụng chính sách gần dân hơn.
Về mô hình hoạt động tại cấp xã, hiện tại, chưa có quy định đầy đủ về hoạt động tại cấp xã, trong khi cơ bản các giao dịch của NHCSXH được thực hiện tại xã, các hoạt động tại cấp xã sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong tương lai khi NHCSXH bổ sung triển khai các sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, cần có quy định cụ thể, một quy trình rõ ràng về mô hình hoạt động tại cấp xã. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị ngân hàng của NHCSXH. Từ đó tạo được sự đồng thuận cao, thông suốt trong quá trình triển khai chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Kết hợp với các nguồn vốn truyền thống từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách địa phương chuyển sang (nguồn này rất hạn chế, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn trong thu ngân sách)…, cần quan tâm huy động thêm các nguồn vốn chuyển giao ODA, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cũng như của các cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn khác.
Cân đối nguồn lực phù hợp, linh hoạt với mục tiêu phát triển và đối tượng thụ hưởng chính trong từng giai đoạn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Cùng với công tác huy động nguồn vốn, cần đánh giá trong tổng thể nguồn lực hiện có, xác định trọng tâm vào đối tượng nào là chính, đối tượng nào trước, đối tượng nào sau. Tránh tình trạng một số chương trình đã đáp ứng đủ, thậm chí thừa vốn (như chương trình tín dụng HSSV, xuất khẩu lao động như hiện nay) nhưng một số chương trình, đối tượng khác có nhu cầu nhưng không có nguồn vốn để giải ngân, làm giảm hiệu quả nguồn vốn.
Việc đưa ra các giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của NHCSXH tại thời điểm này là cần thiết, phù hợp với chiến lược phát triển của NHCSXH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Tuy nhiên cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và cần nghiên cứu, có kế hoạch trong thời gian ngắn, trung và dài hạn, phù hợp với quy mô và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 - 2020.
Bùi Văn Hạnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Những phát hiện mới trong chuyến đi thăm và làm việc tại NHCSXH của Đoàn Chính phủ Cộng hòa Mozambique
- » Nguồn vốn nâng đỡ hộ nghèo
- » Cần Thơ thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng hoạt động
- » Ngày hẹn của ngân hàng với người nghèo
- » Hiệu quả bước đầu từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo
- » Thượng Hiền thực hiện tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- » Phủ xanh núi đồi từ đồng vốn nhỏ
- » Câu chuyện giảm nghèo ở Cao Bằng
- » Chuyện của những người “thành công”
- » An sinh xã hội vùng ĐBSCL - huy động mọi nguồn lực