NHCSXH trước cơ hội hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di dộng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách
Điểm yếu nhất của việc cung cấp dịch vụ TCVM trên thế giới cũng như ở Việt Nam là chi phí cao ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bền vững. Nguyên nhân là do đối tượng phục vụ thường ở địa bàn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, quy mô món vay hoặc nhu cầu về các dịch vụ tài chính nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến chi phí phục vụ của ngân hàng trên một khách hàng hoặc một món vay lớn hơn rất nhiều lần so với NHTM; trong khi đối tượng phục vụ lại không thể chịu đựng được lãi suất cao để giúp ngân hàng bù đắp chi phí. Đây cũng là lý do các TCTD thương mại thường bỏ rơi dịch vụ TCVM, tạo ra một nhóm không nhỏ dân cư không tiếp cận được với các dịch vụ tài chính. Để giải quyết vấn đề này, nhiều tổ chức TCVM trên thế giới coi công nghệ thông tin là điểm quyết định để xây dựng chiến lược đạt tới cùng một lúc khả năng tiếp cận khách hàng và sự bền vững. Công nghệ giúp cắt giảm chi phí hoạt động có thể là câu trả lời cho vấn đề có thể mở rộng TCVM với lãi suất đảm bảo cân bằng thu chi và tăng trưởng vốn chủ sở hữu mà vẫn đạt được mục tiêu giảm nghèo.
Việc đầu tiên có thể làm được khi ứng dụng công nghệ vào TCVM là vi tính hoá. Vi tính hoá hệ thống thông tin quản lý sẽ giúp cho tổ chức TCVM dễ dàng kiểm soát chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng, thanh toán, tiền gửi và các dịch vụ tài chính khác. Tuy nhiên hệ thống này có nhiều điểm khác với các ngân hàng truyền thống là cách thức cung cấp dịch vụ, loại hình khách hàng và môi trường hoạt động.
Chi nhánh đại lý của tổ chức TCVM liên kết với một tổ chức thương mại khác (đại lý) trong việc cung cấp dịch vụ tài chính là hình thức mở rộng của hệ thống máy tính kết hợp với điện thoại di động để thực hiện một số giao dịch TCVM theo uỷ quyền và nhận được phí dịch vụ tính trên các giao dịch. Dữ liệu được truyền tức thời hoặc truyền một lần vào cuối ngày đến hệ thống máy tính của tổ chức TCVM.
Dịch vụ thẻ tín dụng và máy rút tiền tự động có rất nhiều điểm tương đồng giữa dịch vụ thẻ tín dụng và dịch vụ tín dụng vi mô. Cả hai phương pháp này được sử dụng để giảm chi phí cho các giao dịch nhỏ. Nhưng có đặc điểm chung là tín dụng không xác định được mục đích rõ ràng, giao dịch nhỏ và giới hạn về khối lượng. Đồng thời các khách hàng của tổ chức TCVM rất thích thẻ tín dụng là cho vay khi có nhu cầu 24/24h mà tổ chức TCVM không thể đáp ứng theo cách thông thường và từ đó hình thức thẻ tín dụng vi mô ra đời, được sử dụng kết hợp với các chi nhánh đại lý qua hệ thống điểm chấp nhận thẻ (POS) hoặc ATM.
Giao dịch qua điện thoại di động được phổ biến ở một số vùng khác trên thế giới đã giúp cho khách hàng của tổ chức TCVM cũng có thể quản lý tài khoản của mình bằng điện thoại di động thông qua kỹ thuật nhắn tin (SMS) hoặc bảng trình duyệt trên màn hình điện thoại di động (Menu). Điện thoại di động đang được sử dụng như là một kênh cung cấp dịch vụ thanh toán cho người nghèo ở Philippines. Các tổ chức TCVM nhận thấy điện thoại có thể sử dụng để mua hàng hoá, thanh toán, chuyển tiền và thực hiện một số các dịch vụ liên quan khác.
Quy trình thực hiện như sau: Khách hàng đăng ký với hệ thống thanh toán bằng một tin nhắn với một số thông tin quan trọng như: Tên, địa chỉ và số điện thoại di động. Sau đó người sử dụng nhận được một tin nhắn xác nhận và một mật mã tạm thời. Đăng ký xong, khách hàng có thể đến bất cứ đại lý nào của Global Telecom gần nhà để nộp tiền mặt và chuyển tiền đó vào tài khoản của điện thoại di động. Để đảm bảo chế độ bảo mật, khách hàng phải trình thẻ công dân và điền vào mẫu đơn tại đại lý đó. Khách hàng phải trả một khoản phí đăng ký. Sau khi hoàn tất thủ tục, khách hàng và đại lý sẽ nhận được một tin nhắn thông báo xác nhận việc đăng ký. Sau khi đăng ký, khách hàng có thể thanh toán với ngân hàng bằng cách gửi tin nhắn về số tiền và mật khẩu để đảm bảo tính bảo mật. Giao dịch được chấp nhận khách hàng và ngân hàng đều nhận được tin nhắn xác nhận giao dịch hoàn thành. Dịch vụ này đặc biệt thích hợp cho thị trường TCVM bởi vì: Các khoản trả nợ của khách hàng rất nhỏ và có số lượng giao dịch lớn, các đại lý của Bưu điện của Global Telecom nằm lẫn trong địa bàn khách hàng sinh sống, vì vậy khách hàng rất dễ tiếp cận. Đặc biệt nó tiết kiệm thời gian giao dịch cho khách hàng. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thanh toán qua điện thoại di động có thể tiết kiệm thời gian đi lại và giao dịch từ 6 - 8 giờ cho mỗi khách hàng. Về phía các tổ chức TCVM cũng giảm được đáng kể thời gian cán bộ đi cơ sở để thu nợ, giảm rủi ro bị mất, cướp tiền dọc đường. Thành công của dự án thử nghiệm này đem lại lợi ích cho ngân hàng và khách hàng nghèo và dẫn đến việc tiếp tục mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác như dịch vụ tiết kiệm và chuyển tiền.
Việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào lĩnh vực TCVM cho thấy, mô hình và động lực thúc đẩy phát triển ngành TCVM đã có nhiều thay đổi. Vấn đề mâu thuẫn giữa sự đòi hỏi các tổ chức TCVM phải tiến tới tự vững về tài chính nhưng lại phải cung cấp dịch vụ với giá phí phù hợp với người nghèo dường như đã tìm ra được lời giải đáp. Ở nhiều tổ chức TCVM trên thế giới đã sử dụng trung tâm trả lời tự động để giúp khách hàng tự đối chiếu số dư tài khoản, nghe hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn, các loại hình dịch vụ khác.
Ngân hàng điện tử thực sự là giải pháp để mở rộng dịch vụ TCVM với chi phí thấp cho khách hàng chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính trên thế giới. Tuy nhiên việc ứng dụng ngân hàng điện tử vào TCVM chỉ thích hợp với các ngân hàng TCVM lớn, các ngân hàng phát triển hoặc các Ngân hàng thương mại có hoạt động TCVM.
Khai thác tính ưu việt của công nghệ thông tin để ứng dụng vào các dịch vụ tài chính, ngân hàng sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đặc biệt sẽ có tác động to lớn đến nhóm đối tượng là các nông dân nghèo tại các vùng nông thôn, giúp họ có thể sử dụng điện thoại di động chuyển tiền mặt, mua hàng bán lẻ, quản lý tiền gửi, thanh toán các hóa đơn và đáp ứng các nhu cầu khác về lĩnh vực kinh doanh và cuộc sống của họ. Một người dân cho biết “Nếu bạn có tiền trong điện thoại thì trong trường hợp khẩn cấp bạn có thể dễ dàng tìm tới các đại lý và rút tiền ra, nhưng nếu tiền của bạn ở trong ngân hàng, ngân hàng có thể đóng cửa hoặc ở rất xa”.
Mạng lưới sử dụng công nghệ không dây này đã hoạt động phổ biến và TCVM phải nhìn nhận thực tế là công nghệ không dây có thể giúp đông đảo người nghèo, người có thu nhập thấp, dân cư ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận rộng rãi với TCVM. Công nghệ có thể giúp chúng ta giảm được chi phí giao dịch. Nhờ có công nghệ này mà chúng ta có thể thực sự tiếp cận được với hàng tỷ, hàng tỷ người nghèo, những người nghèo mà chúng ta không hy vọng có thể tiếp cận trực tiếp qua các nhân viên tín dụng.
Trong tình hình trên, Chính phủ Việt Nam cũng có những động thái hỗ trợ việc mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính qua nền tảng Internet và điện thoại di động. Tuy nhiên khung pháp lý cho việc triển khai các dịch vụ qua Internet và điện thoại di động vẫn chưa đầy đủ. Những năm trở lại đây, nhờ các chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ cho các ngân hàng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của công nghệ thanh toán, các ngân hàng không ngừng nâng cấp phần mềm, hệ thống xử lý nội bộ để cung ứng nhiều dịch vụ thanh toán thích hợp và tiện lợi đặc biệt các dịch vụ thanh toán qua internet và qua điện thoại di động như internet banking, mobile banking,… Tùy thuộc mức độ áp dụng công nghệ mà quy trình xử lý nội bộ của mỗi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là khác nhau, điều này đòi hỏi NHNN đưa ra các quy định chung, thống nhất về chứng từ điện tử cũng như đảm bảo an toàn, bảo mật làm cơ sở để các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán xây dựng quy trình thanh toán nội bộ, đảm bảo an toàn và phù hợp với chế độ kế toán hiện hành, đặc biệt là phù hợp với quy trình giao dịch điện tử.
Thực tế hiện nay khi cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và điện thoại di động của các ngân hàng, hầu như đều có sự tham gia trong khâu hỗ trợ cung ứng dịch vụ của các đối tác khác như tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian và nhà mạng viễn thông. Do đó, NHNN nên nghiên cứu, cân nhắc việc quy định về thanh toán không dùng tiền mặt các đối tượng là các tổ chức, cá nhân liên quan đến cung ứng dịch vụ thanh toán để có cơ sở quy định về trách nhiệm phối hợp giữa ngân hàng với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và tổ chức cung cấp mạng viễn thông; cũng như bổ sung thêm quy định về chứng từ điện tử sử dụng khi thực hiện giao dịch thanh toán qua điện thoại, qua Internet, nhằm đảm bảo tính hợp pháp, an toàn, bảo mật dữ liệu khi cung ứng các dịch vụ này.
Về phía NHCSXH cũng đã quan tâm đến dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động, trước tiên là các dịch vụ đào tạo cho đối tượng chính sách về các chương trình cho vay, phổ biến về thủ tục vay, quyền lợi và trách nhiệm của người vay, đối chiếu nợ, nhắc lịch trả nợ, trả lãi và sau này là tiến tới thanh toán qua điện thoại di động. Nền tảng công nghệ của việc thực hiện các dịch vụ trên là việc NHCSXH đã triển khai thành công việc hiện đại hóa công nghệ thông tin với phần mềm Corebanking cho phép tập trung hóa dữ liệu toàn hệ thống. Phần mềm Corebanking sẽ là cơ sở để kết nối công nghệ với các đối tác khác trong việc cung cấp dịch vụ qua điện thoại di động.
Phan Cử Nhân
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn về, ước mơ hóa thực
- » Xoá nghèo trên miền cát trắng
- » Bắc Ninh nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
- » Giúp dân nghèo miền Trung ứng phó với bão, lũ
- » “Phao cứu sinh” của hàng vạn hộ cận nghèo Quảng Ngãi
- » Thoát nghèo bền vững của một huyện 30a
- » Hà Nội yêu cầu xây dựng kế hoạch tín dụng 5 năm giai đoạn 2016 - 2020
- » Bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình
- » Người nghèo vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân với nguồn vốn vay
- » Hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc - Điểm mới trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của NHCSXH