Thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay hộ cận nghèo

16/12/2013
(VBSP News) Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 31.000 hộ dân trong diện cận nghèo. Trong đó, có hàng chục nghìn hộ dân mới được công nhận thoát nghèo, kinh tế còn rất bấp bênh do không còn được vay vốn hộ nghèo. Từ giữa năm 2013, khi NHCSXH tỉnh triển khai chương trình cho vay hộ cận nghèo đã mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Ðầu tư vào chăn nuôi hoặc sản xuất hàng thủ công là cách sử dụng vốn hiệu quả của các hộ cận nghèo ở Bắc Giang

Ðầu tư vào chăn nuôi hoặc sản xuất hàng thủ công là cách sử dụng vốn hiệu quả của các hộ cận nghèo ở Bắc Giang

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát, chương trình cho vay hộ cận nghèo được sự đồng thuận, nhất trí cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Hơn nữa, do hệ thống NHCSXH có sẵn các Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như công tác bình xét đến cấp thôn, bản nên công tác triển khai rất thuận lợi. Tính đến nay, chi nhánh đã giải ngân được 160 tỷ đồng. Hơn 6.000 hộ cận nghèo trên địa bàn đã được vay với mức bình quân 25 triệu đồng/hộ.

Xã Việt Tiến, huyện Việt Yên có 37 hộ cận nghèo được vay vốn từ NHCSXH. Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến Nguyễn Việt Hùng cho chúng tôi biết: “Nhìn vào kinh tế 37 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH hiện nay, có thể thấy sự thay đổi khá rõ nét so với lúc chưa có vốn. Ngoài những hộ kể trên, xã còn 159 hộ cận nghèo cũng rất cần nguồn vốn này nhưng chưa được xét duyệt. Chúng tôi thấy chương trình cho vay hộ cận nghèo thật sự có ý nghĩa đối với các hộ dân cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi lẽ đối với các hộ cận nghèo, mà thực chất là vừa thoát nghèo này, nỗi lo tái nghèo luôn hiển hiện”.

Thực tế ở Việt Tiến cho thấy các hộ cận nghèo đều có mức thu nhập và đời sống tương đối thấp, không khác với hộ nghèo là bao nhiêu. Trong khi đó, hộ nghèo được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, còn hộ cận nghèo lại không. Ở một xã thuần nông như Việt Tiến, từ khi chương trình bắt đầu triển khai, câu chuyện về vốn cho các hộ cận nghèo thường làm nóng các cuộc họp chi bộ, họp thôn. Ai được vay, được vay bao nhiêu đều được bình xét theo đúng quy định, bảo đảm minh bạch, công bằng. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với cán bộ NHCSXH thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn để nguồn vốn ưu đãi này không bị sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tư, vợ chồng chị có 5 người con, trong đó có 2 cháu đang học đại học. Dù cố gắng xoay xở đủ nghề cộng với mấy sào ruộng thâm canh gối vụ liên tục, song kinh tế gia đình vẫn ngày càng kiệt quệ. Là người biết lo toan, mỗi lần nghe đài, báo nói về những cách làm ăn mới, hiệu quả, năng suất cao chị không khỏi suy nghĩ. “Thế nhưng không có vốn thì không thể nghĩ ra làm cái gì được. Lúc nào cũng quẩn quanh với việc lo vài trăm nghìn đồng đóng học cho con đã hết hơi rồi”, chị Tư nhớ lại giai đoạn khó khăn vừa qua. Giữa năm 2013, biết thông tin về chương trình cho vay hộ cận nghèo, sau khi bàn bạc cùng chồng, chị tìm đến nhà Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH hỏi thủ tục và đăng ký vay ngay. Số tiền ấy ban đầu anh chị đầu tư mua hai con bò nuôi đẻ. Một thời gian sau, anh chị mạnh dạn vay mượn thêm của anh em, bạn bè đầu tư chăn nuôi lợn và tăng gia sản xuất gà thương phẩm. Nhiều hộ cận nghèo ở Việt Tiến cũng học hỏi mô hình của chị Tư trong phát triển kinh tế cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.

Huyện Việt Yên hiện có tổng dư nợ vốn vay hộ cận nghèo hơn 8 tỷ đồng, với 310 hộ được vay, trong đó đã có 4 hộ hoàn thành tất toán cho ngân hàng. Theo một cán bộ NHCSXH huyện Việt Yên, ngân hàng đã tiếp nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ nhưng còn chờ giải ngân. Do nhu cầu vay vốn của người dân khá lớn, trong khi nguồn vốn có hạn nên nhiều trường hợp ngân hàng chưa thể giải quyết trong năm nay.

Huyện Yên Dũng có số hộ cận nghèo được vay vốn cao nhất tỉnh, với 905 hộ, đạt dư nợ gần 25 tỷ đồng. Chủ yếu các hộ vay đầu tư sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản. Trong đó, có nhiều hộ mới thoát nghèo cần vốn để duy trì nguồn đầu tư trước đó hoặc mở rộng sản xuất. Ðối với đa số hộ vay dạng này, khả năng hoàn vốn cao do các hộ thường đầu tư nuôi cá. Số tiền được vay đặc biệt quan trọng vào thời điểm cá gần được thu hoạch, cần cho ăn vỗ béo. Nếu trúng vụ, hộ vay vốn có thể trả nợ ngay cả khi chưa tới hạn. Vì quay vòng vốn nhanh nên hiệu quả của chương trình đối với các hộ cận nghèo càng lớn.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát cho biết: “Trong năm 2013, nguồn vốn được NHCSXH cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu của tỉnh. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có chưa đầy 15% số hộ cận nghèo được vay vốn của chương trình. Thực tế cho thấy, đây là nguồn lực hỗ trợ có ý nghĩa đối với các hộ cận nghèo trong sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2014, chúng tôi kiến nghị cấp trên tiếp tục bổ sung nguồn vốn vay đối với chương trình này tại Bắc Giang khoảng 400 tỷ đồng, bao gồm cả dư nợ năm 2013. Mặc dù vậy cũng chưa thể giải quyết hết nhu cầu của hộ cận nghèo nhưng cũng sẽ giúp cho số hộ có nhu cầu cấp thiết nhất về vốn có điều kiện, có cơ hội cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình”.

Bài và ảnh Trần Thường

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác