Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Vĩnh Phúc hoạt động tốt
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ có mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng lớn hoạt động tích cực nên tổng dư nợ hiện nay trên địa bàn đã đạt 1.720 tỷ đồng với 17.206 lượt khách hàng được vay vốn và tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 5,59 tỷ đồng, chiếm 0,32% tổng dư nợ.
Sau khi được củng cố, kiện toàn hoạt động theo quy định mới ban hành của HĐQT NHCSXH, mỗi Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tỉnh Vĩnh Phúc thường có từ 30 - 50 tổ viên, trong đó: Ban quản lý tổ, Tổ trưởng được bầu chọn công khai, dân chủ đã làm tốt công tác điều hành, quản lý, giám sát việc vay vốn, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi. Các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ tự nguyện tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt định kỳ và đột xuất, mà còn thực hiện nghĩa vụ nộp lãi, trả nợ đúng kỳ hạn. Cùng với đó, họ còn được tham gia vào các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm… tại nơi cư trú để nâng cao kết quả sản xuất, kinh doanh, xóa nghèo, ổn định cuộc sống.
Đơn cử về Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hậu Lộc, xã Vĩnh Ninh được thành lập dưới sự quản lý của Hội Nông dân xã và được NHCSXH huyện Vĩnh Tường hướng dẫn giúp đỡ đã đi vào hoạt động nề nếp, có 48 thành viên là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo tham gia. Để quản lý tốt nguồn vốn vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hậu Lộc luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi mới của Đảng, Nhà nước đến các tổ viên; thông báo tình hình vay vốn sử dụng vốn vay, nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc và nộp lãi đúng kỳ hạn. Trước mỗi đợt giải ngân, Ban quản lý tổ đã tổ chức họp lấy ý kiến mọi người, bình xét công khai, công bằng và hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn nhanh gọn, chính xác. Đối với một số hộ tổ viên trong tổ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã được Tổ trưởng phân tích, giải thích cụ thể để mọi người hiểu rõ, thông cảm và ưu tiên cho vay trước cũng như số vốn vay cao hơn. Khi tổ viên vay được vốn từ NHCSXH, Ban quản lý tổ còn khuyến khích hướng dẫn bà con tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, về lựa chọn xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp.
Còn ở Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương hiện có 23 hộ nghèo được sử dụng hơn 600 triệu đồng vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trong đó: nhiều hộ làm ăn thuận lợi, đã trả hết nợ, vươn lên thoát nghèo. Tính riêng năm 2012, tổ đã có 3 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn này. Tiêu biểu là gia đình chị Nguyễn Thị Nhượng với 30 triệu đồng vay từ NHCSXH, chị mua một con trâu sắp đến kỳ sinh sản về nuôi, bởi chị nghĩ, nhà nông cần sức kéo để sản xuất nông nghiệp và người nuôi cũng cần nhanh chóng thu hồi vốn. Chị Nhượng đã đặt hy vọng rất nhiều vào chú nghé con mới ra đời. Số tiền bán nghé chị lại đầu tư tiếp vào chăn nuôi 3 con trâu khác.
Vậy là nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn và được NHCSXH tiếp sức, việc chăn nuôi tại gia đình chị Nhượng thành công, quay vòng liên tiếp, giúp cho chị đủ trang trải cuộc sống và nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.
Chị Nguyễn Thị Thức - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thị trấn Hợp Hòa cho biết: Với phần lớn hội viên nghèo đều làm nông nghiệp nên lúc đầu 1 số hộ không dám vay vì sợ không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Sau khi được Ban quản lý tổ tư vấn, giải thích, hướng dẫn, dần dà các hội viên đã hiểu rõ những lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại và tích cực tham gia các hoạt động của tổ cùng nhau giúp đỡ các thành viên vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc, hiệu quả của chương trình cho vay vốn ưu đãi đã được thể hiện qua tỷ lệ giảm nghèo từng năm và sự thay đổi cuộc sống của mỗi gia đình được vay vốn. Tuy những khoản vay không lớn nhưng là cơ sở ban đầu, cùng với sự hỗ trợ về kiến thức thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng kinh nghiệm của những người vay trước đã giúp nhiều gia đình mở lối thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Bài và ảnh Quang Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hà Giang: Phấn đấu tổng dư nợ năm 2013 đạt 1.755 tỷ đồng
- » Đoàn Thanh niên NHCSXH Trung ương tham dự Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II
- » Hiệu quả tín dụng cho sinh viên nghèo
- » Tiếp sức cho huyện nghèo 30a
- » Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
- » Những chương trình tín dụng nhân văn: Cơ sở giảm nghèo bền vững
- » Dựng cơ nghiệp trên quê hương mới
- » Biện pháp giảm nghèo ở Tuyên Quang
- » Phụ nữ huyện Vĩnh Lợi củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Cà phê từ vườn nhà ra “WTO”