Thanh niên Ba Tơ vừa sản xuất giỏi, vừa xóa nghèo tốt
Một trong số người đi đầu trong phong trào thanh niên xung phong đó là Bí thư chi đoàn thanh niên thôn Ba Phù Phạm Văn Pheo, người dân tộc Hre. Sinh năm 1982, sau khi tốt nghiệp lớp 12, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh Pheo đành phải gác ước mơ của tuổi trẻ ở giảng đường đại học, để trở về làng quê thân thuộc với công việc nhà nông: làm ruộng, trồng rừng… Trực tiếp nhìn thấy cảnh nghèo túng như một hòn đá tảng chắn lối đi của mọi người, chàng trai đang sức dài vai rộng trăn trở một điều phải làm sao để thoát nghèo đây. Khi biết tin NHCSXH huyện cho thanh niên vay vốn sản xuất, anh đã quyết định vay 25 triệu đồng để khai hoang, trồng mới 7ha cây keo, 3ha mì cao sản. Việc độc canh cây khoai, cây bắp ở nơi miền núi này đem lại hiệu quả không cao, anh Pheo đã tính toán kỹ lưỡng, sử dụng một phần vốn vay ưu đãi và dồn công sức để xẻ mương, đắp máng nổi dẫn nước từ khe núi về đồng ruộng thâm canh 7 sào lúa thơm, kết hợp với chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, đào ao, nuôi cá làm hàng hóa. Tính thu nhập từ chăn nuôi, trồng rừng, làm ruộng, mỗi năm anh Phạm Văn Pheo thu về hàng trăm triệu đồng, trừ chi phí lãi được 40 - 45 triệu đồng. Với số lợi nhuận đó, anh lại say sưa đầu tư tái sản xuất bằng cách mở thêm ruộng, vườn, trồng cây ăn quả đặc sản, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên trong thôn về kinh nghiệm lẫn vốn liếng, giống cây trồng để cùng phát triển kinh tế, xóa nghèo. Nhiều hộ dân nghèo ở vùng căn cứ cách mạng Ba Điền (Ba Tơ) đã học tập cách sử dụng đồng vốn ưu đãi vào sản xuất của anh Pheo mà tăng thu nhập gia đình, vừa thoát nghèo, có của ăn của để, vừa trả được nợ và nộp lãi đầy đủ cho ngân hàng.
Cũng như anh Pheo, chàng trai dân tộc Tày Hoàng Đức Kiểm có thành tích nổi bật về vay vốn tín dụng ưu đãi trồng rừng làm giàu thì nhiều người biết tiếng và chỉ dẫn chúng tôi đến tận nhà. Anh Kiểm sinh năm 1985, trong một gia đình bố là thương binh, mẹ lại bệnh tật ốm yếu, nên từ bé, anh đã phải cáng đáng hầu hết công việc đồng áng, ruộng nương.
Nhớ lại vào thời điểm năm 2007, anh Kiểm đã lặn lội tìm đến các mô hình sản xuất hiệu quả trong xã, trong huyện và thường xuyên gặp gỡ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm để học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ 10 triệu đồng vốn vay của NHCSXH cùng với sức lao động của bản thân và bè bạn trong chi đoàn thôn Ba Vân, xã Ba Phùng, anh Hoàng Văn Kiểm hạ quyết tâm khai hoang mở đất, mua cây con giống để trồng rừng nguyên liệu giấy và nuôi thí điểm 5 con heo nái, 15 con heo thịt. Sau 6 tháng lao động cần mẫn, say mê, đàn heo của gia đình anh xuất bán được giá, bước đầu thu lợi nhuận khá lớn, anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi heo và trồng thêm cây keo lá tràm. Đến nay, nhờ nỗ lực không ngừng và sự tiếp sức mạnh đúng lúc của đồng vốn ưu đãi, kinh tế gia đình anh Kiểm đã khấm khá, với 40ha cây lâm nghiệp, 2.500m2 cây mì cao sản, và đàn heo 38 con béo tốt, trị giá cả 100 triệu đồng. Cùng với đó, trang trại của anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại chỗ, với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng/người. Hoàng Văn Kiểm xứng đáng là tấm gương cho thanh niên dân tộc ở vùng căn cứ Cách mạng Ba Tơ học tập, làm theo cách sử dụng vốn vay ưu đãi vào mục đích thoát nghèo, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Bài và ảnh Văn Giang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn ngân hàng hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
- » Chắp cánh ước mơ cho HSSV
- » Giảm nghèo bền vững nhờ tín dụng ưu đãi
- » Kênh dẫn vốn uy tín và hiệu quả
- » Vị Thanh phát triển kinh tế hộ hiệu quả
- » Yên Bái: 11.500 lượt khách hàng được vay vốn
- » Hộ nghèo được "tiếp vốn"
- » Khơi nguồn nước sạch nông thôn
- » Chắp cánh cho những ước mơ...
- » Hội Cựu chiến binh huyện Chơn Thành làm tốt công tác ủy thác vay vốn