84% hộ dân nông thôn ở Quảng Trị được sử dụng nước sạch

09/08/2013
(VBSP News) Theo báo cáo của Ban điều hành Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị, tính đến cuối tháng 6/2013, toàn tỉnh có tới 84% dân số sử dụng công trình nước hợp vệ sinh, 59,3% hộ dân nông thôn xây dựng được nhà tiêu theo tiêu chuẩn; tổng vốn đầu tư cho chương trình năm 2013 trên địa bàn Quảng Trị là 73,8 tỷ đồng, trong đó: vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH cho vay chiếm trên 65% (48 tỷ đồng), còn lại là vốn Nhà nước, ngân sách tỉnh và nhân dân đóng góp.
Nhiều hộ dân ở Quảng Trị vui mừng khi nguồn nước sạch đã về đến từng hộ

Nhiều hộ dân ở Quảng Trị vui mừng khi nguồn nước sạch đã về đến từng hộ

Với nguồn vốn này, dự kiến đến hết năm 2013, toàn tỉnh sẽ có 85,8% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt, gần 62% gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp chuẩn. Đánh giá bước đầu cho thấy, thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, ban, ngành liên quan nhất là việc vay vốn ưu đãi của NHCSXH thuận lợi, kịp thời đạt kết quả cao trong công tác xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở các vùng quê Quảng Trị vốn có địa hình và khí hậu phức tạp, khắc nghiệt. Ngày nay, cảnh bà con dân tộc Vân Kiều ở vùng cao Hướng Hóa, Đa Krông phải vào tận khe núi cõng từng “cây” bương nước về nhà để thổi cơm ăn, nấu nước uống đã không xẩy ra nữa hay những người dân dọc các đầm phá ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ… không phải oằn mình trên những trảng cát cháy bỏng để “chắt” từng gầu nước ngầm bị cạn kiệt vào mùa khô, bởi cuộc hành trình đưa nước sạch về làng đã được các cấp ngành quan tâm mà trực tiếp là Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và NHCSXH đóng vai trò chủ lực thực hiện, thúc đẩy cuộc hành trình đi đến đích, thoả ước vọng của người dân vùng gió cát Quảng Trị về nước sạch sinh hoạt.

Đơn cử về xã Vĩnh Thuỷ thuộc huyện Vĩnh Linh có 1.724 hộ với trên 8 nghìn nhân khẩu, bình quân 5 - 7 hộ mới có chung một cái giếng khoan vừa dùng để sinh hoạt, vừa tưới nước cho cây lúa, vườn hồ tiêu. Nhiều gia đình ở gần biển, ven đầm phá thường phải gạn từng gầu nước trên vũng cát để dùng qua ngày.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch cho những vùng quê ven biển, được sự trợ giúp đắc lực của NHCSXH và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, một hệ thống nước vượt đầm phá, bãi cát đã được xây dựng với sự đầu tư vốn ưu đãi hàng chục tỷ đồng và sự đổi mới về công nghệ, giải pháp thiết kế nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Hầu hết các hộ dân xã Vĩnh Thuỷ được vay vốn chính sách từ 8  triệu đồng đầu tư xây bể chứa nước, bắc đường ống dẫn nước sạch từ hệ thống chính về tận nhà, thay cho dùng nước giếng khoan bị ô nhiễm trước đây.

Nước sạch về làng quê nghèo, vào tận từng nhà dân. Ông Hồ Kiềm, ngụ thôn 2 xã Vĩnh Thuỷ cho hay “gia đình tôi sử dụng nước hợp vệ sinh của công trình cấp nước sạch vượt đầm phá trung bình 5 người dùng 15m3 nước/tháng với mức giá 3.500 đồng/m3 rất hợp với đời sống, thu nhập của người dân ven biển”.

Nước sạch không chỉ làm thay đổi điều kiện sống, sản xuất của hàng vạn người dân ven biển Vĩnh Linh mà còn mở ra cơ hội mới, làm đòn bẩy phát triển kinh tế nông nghiệp cho vùng đất khô cằn này. Lão nông Trần Văn Được cho biết: “Bà con nông dân xóm Trại xã Vĩnh Thuỷ chủ yếu làm nghề nông nên phụ thuộc nguồn nước tưới, tới mùa nắng vừa khô hạn, vừa bị cúp điện, phải xoay sở nước tưới cho cây trồng rất cực khổ. Từ khi có chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ, đưa nước sạch vượt đầm lầy về làng, chúng tôi có điều kiện đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, không còn tất bật “chạy” từng gầu nước như trước nữa. Nhờ đủ nước tưới cho cây trồng 8 sào rau quả của nhà tôi xanh tốt, thu hái quanh năm, kinh tế khấm khá hẳn”.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị triển khai xây mới 3 công trình cấp nước tập trung; 9.600 công trình cấp nước nhỏ lẻ… nhằm đạt mục tiêu đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 87,2% người dân nông thôn có nước sạch sinh hoạt, 50% hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh. NHCSXH tỉnh Quảng Trị cũng tiến hành nhiều biện pháp như tăng nguồn vốn ưu đãi cho vay, thu lãi, thu nợ đến hạn của những hộ vay trước đây của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và thực hiện phương thức uỷ thác cho vay vốn ưu đãi đến tận hộ tham gia chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác